Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, toàn huyện có gần 500 trang trại đang hoạt động. Trong đó có 43 trang trại được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh công nhận đạt tiêu chí mới, gồm 19 trang trại trồng trọt, 23 trang trại chăn nuôi và 1 trang trại tổng hợp. So với năm 2013, mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn huyện phát triển mạnh với quy mô lớn, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Nhờ nuôi heo kết hợp với Công ty C.P, mỗi năm anh Nguyễn Văn Nho,
thôn Núi Ngỗng (Nhơn Sơn, Ninh Sơn) thu nhập 400 triệu đồng.
Trong đó tập trung chủ yếu lĩnh vực chăn nuôi với nhiều mô hình đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tạo thị trường tiêu thụ ổn định, thu hút nhiều nông dân tham gia. Toàn huyện hiện có 15 trang trại chăn nuôi kết hợp với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Với hình thức này, sau khi người dân đã có chuồng trại, Công ty sẽ hợp đồng cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Sau mỗi kỳ xuất chuồng, người nuôi sẽ được trả công theo số lượng kg heo được xuất bán. Đi đầu mô hình này là anh Nguyễn Văn Nho (thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn). Năm 2008, anh kết hợp với Công ty C.P mở trang trại nuôi heo, ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao. Vừa nuôi, anh vừa rút kinh nghiệm, tích lũy vốn, đầu tư mở rộng quy mô đàn, đến nay, mỗi năm anh nuôi 2 lứa heo với quy mô 1.800 con, trung bình anh nhận tiền công khoảng 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tận dụng nguồn phân thải, anh xây dựng hầm biogas sử dụng làm khí đốt cho gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Với lợi thế địa phương, những năm gần đây nông dân Ninh Sơn còn chủ động trồng các loại cây ăn quả kết hợp chăn nuôi phát triển trang trại tổng hợp. Nhiều vùng đất hoang hóa được người dân khai thác, phát huy tiềm năng, vươn lên làm giàu bền vững. Đơn cử như trang trại tổng hợp của anh Phùng Văn Bắc (thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn). Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh trồng trên 8 ha cây trồng ngắn ngày và 40 ha cây trồng lâu năm, kết hợp chăn nuôi gần 800 con bò, dê, cừu dưới tán rừng, mỗi năm anh thu trên 500 triệu đồng.
Nhờ phát triển đúng hướng, chất lượng giống nâng cao, tập trung quy mô lớn và có kiểm soát, mô hình kinh tế trang trại ngày càng tạo bước đột phá trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong năm 2014, giá trị kinh tế từ các trang trại ước đạt 97,55 tỷ đồng, chiếm gần 30% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện. Qua đó, giải quyết gần 130 lao động thường xuyên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 2,91%.
Anh Lê Văn Phương, chuyên viên phòng NN&PTNT huyện cho biết: Mô hình kinh tế trang trại không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn là bước đệm vững chắc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Để mô hình kinh tế trang trại phát triển bền vững, huyện Ninh Sơn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mở các lớp tập huấn kỹ thuật,… nhằm “tiếp sức” cho nông dân phát huy tinh thần sáng tạo, khai thác tốt hơn các thế mạnh địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong toàn huyện.
Mỹ Dung