Tuy nhiên không có thuốc nào là an toàn 100%. Những tác dụng không mong muốn trong việc sử dụng thuốc vẫn có thể xảy ra cho dù chỉ định đúng và liều lượng đúng; hoặc do chất lượng thuốc bị thay đổi trong quá trình vận chuyển, bảo quản; pha trộn thuốc trong điều trị, đường dùng, cách dùng hoặc do thuốc kém chất lượng, thuốc giả; hoặc do chỉ định sai, do nhầm lẫn trong việc đọc tên thuốc, sao chép tên thuốc và thất bại trong điều trị (do kháng thuốc). Những phản ứng có hại của thuốc rất đa dạng, từ các dạng rất đơn giản làm thấy thuốc dễ bỏ qua, lần sau dùng lại thuốc ấy cho chính bệnh nhân đó sẽ gây ra phản ứng nặng nề hơn hoặc những dạng rất phức tạp có thể làm thầy thuốc dễ nhầm lẫn với các dạng phát ban, bệnh lý khác… cho đến những trường hợp rất nguy cấp như sốc phản vệ hoặc rất nặng nề như hội chứng Lyell, hội chứng Steven Johnson …có thể gây tử vong.
Từ nhiều nguồn nghiên cứu cho thấy, hơn 50% trường hợp tác dụng không mong muốn của thuốc có thể phòng tránh được nếu cán bộ y tế thực hiện nghiêm ngặt những quy định, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và quy định của Bộ Y tế. Thẩm định báo cáo tác hại của thuốc (ADRs 2003 - 2006) của Trung tâm Cảnh giác Dược&Phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) phía Nam cho biết các nhóm thuốc thường gây ra ADR là: Nhóm kháng sinh (54,48% = 1.167/2.142 ca); Nhóm thuốc giảm đau (13,45% = 288/2.142 ca); Dịch truyền (10,18% = 218/2/142 ca) và các nhóm thuốc khác 21,85% gồm: kháng huyết thanh, thuốc chống co giật, thuốc cản quang, thuốc tê…. Những người có thể gây ra ADR là bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và cả bệnh nhân có cơ địa đặc biệt hoặc nhạy cảm với một vài loại thuốc đặc thù.
Lâm Linh