NHÌN LẠI NĂM 2014:

Ngành Nông nghiệp: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất

(NTO) Năm 2014, tuy thời tiết diễn biến phức tạp, sản xuất nông nghiệp đối diện với nhiều khó khăn, nhưng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với nắng hạn, cùng với sự nỗ lực của nông dân trong tỉnh, nên đạt được nhiều kết quả.

Còn nhớ trong vụ đông-xuân 2013 - 2014, do chủ động kế hoạch tích nước vào cuối mùa mưa 2013 nên mặc dù sau đó mưa ít nhưng lượng nước vẫn đáp ứng đủ sản xuất. Bước vào vụ hè - thu, khi mực nước ở các hồ đập xuống thấp, ngành Nông nghiệp đã chủ động xây dựng phương án chống hạn, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tập trung nạo vét hệ thống kênh mương, tổ chức điều tiết nước hợp lý. Quyết định mang tính đột phá trong thời điểm khó khăn này là ngành khuyến cáo các huyện chỉ đạo nông dân ngưng sản xuất 4.672 ha lúa và 1.118 ha cây màu ở vùng không chủ động nước, tập trung nước cho các diện tích nơi khác.

Nông dân xã Phước Ninh (Thuận Nam) thu hoạch lúa bằng cơ giới. Ảnh: Văn Miên

Trong năm 2014, điều đáng ghi nhận, mặc dù diện tích sản xuất (nhất là cây lúa) thu hẹp, nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt 324.472 tấn, vượt 12% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ. Sản lượng các loại cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày như nho, mía, mì… cũng đều tăng. Theo đồng chí Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Đạt được kết quả đó là do ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp bảo vệ sản xuất, nhân rộng kịp thời các mô hình mới có hiệu quả ở 6/7 huyện, thành phố, với tổng diện tích hơn 15.875 ha, vượt 11% kế hoạch.

Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng thu hẹp diện tích cây lúa, tăng diện tích cây trồng cạn của ngành Nông nghiệp, nông dân các huyện đã linh động gieo trồng các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu vực, từng thời vụ nhằm đối phó với hạn hán. Ninh Phước là vùng trọng điểm lúa của tỉnh, nhưng huyện chủ trương không mở rộng diện tích, tập trung nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tiết kiệm nước. Chỉ tính riêng vụ hè - thu, diện tích mô hình đã lên tới 1.800 ha, chiếm 40% tổng diện tích sản xuất lúa trên toàn huyện. Không dừng lại đó, trong năm, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hữu Đức đã liên kết với Công ty Jimmy Hung Anh Food sản xuất 50 ha lúa sạch theo mô hình “1 phải, 5 giảm”. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, khẳng định: Đây là bước “đột phá” mới trong nghề trồng lúa khi nâng cao được giá trị đơn vị sản xuất. Kết quả, năng suất lúa đạt 7,5 tấn/ha, giá thu mua của công ty tại thời điểm cao hơn thị trường 500 đồng/kg. Nhiều nơi khác cũng có những hình thức liên kết sản xuất bắp giống, lúa giống, tạo sự lan tỏa rộng khắp.

 
Nông dân xã Phước Thái, huyện Ninh Phước thu hoạch lúa vụ mùa.Ảnh: Bảo Bình

Riêng các huyện có địa hình vừa đồng bằng vừa đồi núi như Ninh Sơn, Thuận Nam, Thuận Bắc được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trong khó khăn nông dân đã áp dụng nhiều mô hình mang tính sáng tạo cao, thể hiện sự linh hoạt để ứng phó với hạn hán. Đơn cử như xã Lương Sơn, Quảng Sơn, Nhơn Sơn, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) triển khai mô hình “2 lúa - 1 dưa”, “2 lúa - 1 bắp”, “1 lúa - 1 dưa - 1 rau” cho thu nhập cao. Đồng chí Nguyễn Tin, Trưởng Phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhìn nhận: Việc nông dân chủ động luân canh, gối vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã tiết kiệm được tối đa nước tưới. Đây là cách làm thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng là hướng đi lâu dài để khai thác hiệu quả những vùng đất cuối kênh, gò cao, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2015, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phấn đấu nâng cao giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm ở những đồng đất chủ động nước. Nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, gắn với tiêu chí cánh đồng lớn. Triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm về giống cây trồng; thực hiện liên kết mở rộng sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng tập trung đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho chế biến...

Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2015 là khá nặng nề, đòi hỏi ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân trong tỉnh phải hết sức nỗ lực mới đạt được kế hoạch đề ra. Khó khăn thấy rõ trước mắt là tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường do tác động của biến đổi khí hậu. Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, cho biết: Chưa năm nào hạn hán lại xảy ra gay gắt như năm nay. Hiện tại mực nước ở các hồ đập xuống thấp, tính đến ngày 15-12, nước tích ở 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 40,96 triệu m3, đạt 21,31% dung tích thiết kế và thấp hơn cùng kỳ 107,86 triệu m3. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí trượng thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối năm hết mưa lũ, không bổ sung thêm nước cho các hồ đập; trong khi đó, vụ đông -xuân 2014 - 2015 khó có khả năng xuất hiện mưa tiểu mãn, tình hình thiếu nước sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất trong năm tới là hết sức nghiêm trọng.

Trước thực tế khó khăn, ngành Nông nghiệp chủ trương tiếp tục giảm diện tích lúa, chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn có giá trị kinh tế cao như bắp, đậu xanh, rau củ... Cụ thể, vụ đông- xuân 2014 - 2015, dự kiến gieo trồng 20.149 ha; trong đó, cây lúa 10.636 ha, giảm 5.361 ha so với vụ cùng kỳ. Vụ hè- thu gieo trồng 19.656 ha; trong đó, cây lúa 10.406 ha, giảm 2.428 ha so với vụ cùng kỳ.