Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, năm 2014, ngành Nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả khá toàn diện, tái cơ cấu ngành được tập trung triển khai thực hiện góp phần vào tăng trưởng ngành với tốc độ khá cao.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng chủ trì Hội nghị
(Ảnh: HNV)
Theo thống kê sơ bộ, tốc độ tăng tổng giá trị sản lượng toàn ngành đạt 3,6% (so với mức 3% của năm 2013), tốc độ tăng giá trị GDP toàn ngành ước đạt 3,31% (so với mức 2,67% năm 2013). Như vậy, theo tính toán, với tỷ trọng khoảng 18% trong GDP, riêng ngành Nông nghiệp năm nay sẽ đóng góp gần 1/3 tổng số tăng thêm của GDP nền kinh tế nước ta trong năm 2014. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất của Bộ NN&PTNT trong 2014 tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét, đặc biệt là việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Riêng với đề án tái cơ cấu ngành, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, mặc dù còn nhiều ý kiến cho rằng chưa có con số chuyển biến định lượng, chuyển biến còn chậm nhưng có thể thấy, đề án đang có tác động lớn tới toàn ngành theo hướng tích cực và đang đi đúng hướng.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, bên cạnh những kết quả đạt được, trước những yêu cầu mới của quá trình công nghiệp hóa, hiện địa hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp, nông thôn vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, yếu kém, đó là: tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành năm 2014 đã tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2006-2010; khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Thêm nữa, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân còn phát triển chậm, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất khác còn chưa nhiều....
Hội nghị thảo luận đưa ra các phương án phát triển ngành trong năm 2015 một cách hiệu quả (Ảnh: HNV)
Cũng tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường nhận định, năm 2014 đã đánh dấu tăng trưởng nông nghiệp đồng bộ và đạt nhiều dấu ấn, phát triển khá toàn diện. Cụ thể, GDP trong nông nghiệp đạt 3,31%. Đáng chú ý, ngành đã chủ động trong công tác tham mưu chủ trương, chính sách nông nghiệp, nông thôn sát thực tiễn, dồn sức chuyển đổi tái cơ cấu. Năm 2015, ngành cần chú ý tới quá trình hội nhập, có giải pháp tổ chức thức hiện tốt, phát huy được thế mạnh của ngành hiện nay.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương những nỗ lực của ngành Nông nghiệp trong năm 2014. Phó Thủ tướng khẳng định, năm 2014 là năm quan trọng, tạo tiền đề để phát triển kinh tế năm 2015 và chuyển sang giai đoạn mới 2016-2020. Kinh tế Việt Nam đã có kết quả đáng mừng, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát thấp, giá ổn định hơn... Đặc biệt, nông nghiệp có thể nói đã chặn được đà suy giảm so với 2 năm về trước, trong đó, giá trị xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc như: thủy sản, lâm nghiệp. Với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi được nhận thức của các địa phương, có nhiều sáng kiến sáng tạo, người dân chủ động tham gia chương trình. Rất nhiều địa phương dùng mô hình huy động vốn với sự tham gia tích cực của người dân.
Cũng theo Phó Thủ tướng, bước sang năm 2015, ngành Nông nghiệp cần tập trung nâng cao thu nhập của người nông dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các thị trường mở ra rất lớn trong năm 2015 và thời gian tới, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải mở rộng phát triển các sản phẩm nông sản. “Hội nhập đồng nghĩa chúng ta cũng thu được và cũng phải trả giá. Nếu chúng ta không nỗ lực, không sáng tạo thì khó thành công” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam