Bước chuyển mới của kinh tế hợp tác xã nông nghiệp ở Phước Hậu

(NTO) Chúng tôi đến xã Phước Hậu (Ninh Phước) vào những ngày cuối năm khi nông dân nơi đây đang tất bật thu hoạch lúa vụ mùa. Trên những con đường nội đồng, những chiếc xe máy kéo rơ-mooc, xe bò vận chuyển lúa, dưới các chân ruộng thấp thoáng những chiếc máy gặt đập đang liên tục hoạt động.

Hình ảnh ngày mùa vào thời điểm Phước Hậu chuẩn bị ra mắt Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh-dịch vụ (KD-DV) Nông nghiệp như tín hiệu vui, dự báo giai đoạn phát triển mới của sản xuất nông nghiệp địa phương.

Nông dân xã Phước Hậu thu hoạch lúa vụ mùa đạt năng suất bình quân 70 tạ/ha.

HTX KD-DV Nông nghiệp Phước Hậu được hình thành từ cơ sở của các Tổ hợp tác Nông nghiệp thôn Hiếu Lễ, vì vậy nông dân trong thôn đang đóng vai trò nòng cốt trong tiến trình xây dựng HTX. Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của xã, thôn Hiếu Lễ có tổng diện tích tự nhiên 316 ha, trong đó có 257 ha đất sản xuất nông nghiệp, bao gồm: 193,5 ha lúa, 5,8 ha đất chuyển đổi cây trồng, 55 ha trồng cây lâu năm và 2,8 ha đất thổ cư mới. Anh Ngư Văn Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX giải thích: Kể từ khi chuyển đổi theo Luật HTX 2003, HTX Nông nghiệp Hiếu Lễ (cũ) được giải thể chuyển sang nhiều mô hình hoạt động Tổ hợp tác nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Do vậy những nông dân có tâm huyết đã cùng tự nguyện đứng ra thành lập HTX nhằm tìm kiếm một phương thức quản lý thích ứng với cơ chế thị trường hiện nay. Với mục tiêu huy động các nguồn lực từ nhiều thành phần cùng nhau góp vốn, góp sức để hỗ trợ phát triển sản xuất và kinh doanh, 7 sáng lập viên đã tuyên truyền vận động và thu hút được 15 nông dân tham gia thành viên HTX, trong đó có 12 nông dân thôn Hiếu Lễ. Điểm nhấn là chỉ cần góp vốn (15 triệu đồng/thành viên) và tán thành Điều lệ HTX, ai cũng có thể trở thành thành viên HTX dù cư trú ở địa phương nào. Các sáng lập viên nhấn mạnh, việc thành lập HTX tại địa bàn xã Phước Hậu không phải vì lợi nhuận mà chủ yếu là để phát triển nông nghiệp gắn với thị trường, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho thành viên HTX và các hộ sản xuất, đáp ứng nguyện vọng bấy lâu nay của nhân dân địa phương.

Theo phương án hoạt động sản xuất KD-DV nông nghiệp của HTX nhiệm kỳ thứ I (2015-2019), sẽ phấn đấu doanh thu đạt trên 34 tỷ đồng. HTX có ngành nghề hoạt động chính gồm các dịch vụ: Làm đất và thu hoạch, sản xuất lúa giống, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thủy lợi nội đồng, vệ sinh môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, dịch vụ ngành nghề khác. Trước mắt, trong những năm đầu của nhiệm kỳ, HTX vẫn duy trì dịch vụ làm đất và thu hoạch như hiện nay, chỉ thay phương thức làm đầu mối tổ chức ký hợp đồng với các chủ máy cày, máy gặt ngay từ đầu vụ và thanh lý hợp đồng vào cuối vụ theo giá cả định mức chung toàn xã hoặc theo giá thỏa thuận do Đại hội thành viên quyết định. Trong năm 2015 mở đầu hoạt động, HTX dự kiến đạt doanh thu 8,271 tỷ đồng, trong đó tổng lợi nhuận trước thuế đạt 635 triệu đồng. Theo kế hoạch, HTX sẽ gieo trồng 3 vụ với tổng diện tích 580,5 ha, năng suất đạt 70 tạ/ha, sản lượng thóc thu hoạch 3.821,5 tấn, trong đó có 200 tấn lúa giống. Đặc biệt để phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thôn Hiếu Lễ và toàn xã, HTX sẽ tiến hành kiên cố hóa 2 km đường giao thông và kênh mương nội đồng, vay vốn mua sắm 1 máy gặt liên hợp và 1 máy kéo. Anh Ngư Văn Tín chia sẻ: Điều mong muốn của anh em sáng lập viên và Hội đồng quản trị là khi HTX đi vào hoạt động sẽ có điều kiện để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đồng thời chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trong xu hướng phát huy vai trò đóng góp của HTX nông nghiệp đối với phát triển kinh tế-xã hội địa phương, có thể khẳng định việc thành lập HTX KD-DV Nông nghiệp Phước Hậu là bước đi đúng hướng, mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đây là nhân tố tích cực góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.