Những ngày cuối năm, có dịp đến nhiều địa phương ven biển có thế mạnh NTTS, chúng tôi ghi nhận sự thay đổi nhanh qua việc đầu tư chiều sâu, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng của các hộ nuôi tôm thịt và đầu tư nâng cấp cơ sở sản xuất, sử dụng công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp chuyên về giống TS.
Nông dân thôn Sơn Hải (xã Phước Dinh, Thuận Nam) mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất cao.
Ảnh: Văn Miên
Theo Chi cục NTTS tỉnh, tính đến cuối năm, trong tổng diện tích tôm thịt thả nuôi 1.040 ha (trong đó có 4% tôm sú, còn lại đều là tôm thẻ chân trắng), qua thu hoạch đã cho sản lượng 8.940 tấn (bao gồm 140 tấn tôm sú và 8.800 tấn tôm thẻ chân trắng), vượt 12% kế hoạch. Đặc biệt, đối với tôm thẻ chân trắng, tuy tình hình bệnh tôm chưa có dấu hiệu dứt hẳn nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục phát triển ổn định và có hiệu quả, ở vùng nuôi trên cát đạt năng suất rất cao từ 15 - 25 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 40 - 60 tấn/ha/vụ và 100 - 150 tấn/ha/năm. Anh Nguyễn Văn Vinh, (ở Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) có 6 ha đìa nuôi tôm thẻ chân trắng chia sẻ: Sau thất bại vì hội chứng tôm chết sớm, từ năm ngoái tôi đã ứng dụng mô hình CPF-Green House nên đã ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, vụ nuôi chính năm nay đã thành công ngoài mong đợi. Qua thu hoạch đạt năng suất bình quân 25 tấn/ha, anh Vinh đã có thu nhập trên 10 tỷ đồng.
Về sản xuất giống TS, Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho biết: Do nắm được tình hình chuyển đổi đối tượng nuôi tôm thương phẩm tại các tỉnh miền Nam, dự báo nhu cầu tôm sú giống sẽ tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Trong năm, toàn tỉnh sản xuất tôm giống đạt sản lượng 24,1 tỷ con (trong đó tôm thẻ giống là 19 tỷ con), vượt 21% kế hoạch năm; Riêng tôm sú giống, với mức đạt 5,1 tỷ con, đã vượt 70% kế hoạch năm. Không chỉ tôm giống, các cơ sở còn phát triển hoạt động sản xuất giống một số đối tượng như ốc hương, tu hài, cá chẽm, ghẹ xanh, cá nước ngọt.... với tổng sản lượng 115 triệu con, bao gồm 20 triệu con giống cá nước ngọt và 95 triệu con giống thủy đặc sản các loại.
Nhiều nông hộ phát triển nuôi ốc hương, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Văn Miên
Đối với việc nuôi các hải đặc sản, nổi bật trong năm nay ở các vùng đìa tỉnh ta là sự xuất hiện các mô hình nuôi mới như:
Ốc hương trên cát, nuôi cá bớp lồng bè, nuôi lươn không bùn. Các đối tượng nuôi này đều phát triển tốt, cho năng suất cao nên đang thu hút sự quan tâm của người dân hoạt động trong lĩnh vực NTTS. Về nuôi ốc hương, nếu ở Mỹ Tân (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) theo hình thức nuôi lồng, Tân An (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) nuôi ao đất thì tại Từ Thiện, Sơn Hải (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), từ đầu năm nay xuất hiện hình thức nuôi trên cát trải bạt, cho năng suất thu hoạch cao (20 - 25 tấn/ha) nên đang kích thích hộ nuôi mở rộng diện tích. Đến các thôn Hòn Thiên (Hộ Hải), Gò Đền (xã Tân Hải) và Phương Cựu (xã Phương Hải, huyện Ninh Hải), chúng tôi nhận thấy hàu, cua, ghẹ vẫn được nuôi tập trung với hình thức nuôi quảng canh cải tiến, "đánh tỉa thả bù". Ông Dương Ngọc Hoà, ở Phương Hải, có 2 sào đìa thả nuôi hàu phấn khởi: Tận dụng các ao đìa không thích hợp nuôi tôm, nhiều hộ nông dân ở đây đã thả hàu nuôi. Việc chuyển đổi đối tượng nuôi không những giúp cải tạo môi trường ao mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong câu chuyện nuôi hàu, điểm mới đáng quan tâm là hiện Trung tâm Giống hải sản cấp I đang nghiên cứu sản xuất hàu Thái Bình Dương, bước đầu cho khả năng sinh trưởng và phát triển khá tốt. Đây là giống hàu có quy trình nuôi đơn giản, năng suất ổn định, giá bán cao nên được người dân chọn nuôi, dự kiến diện tích nuôi hàu sẽ còn mở rộng thời gian tới.
Từ những tín hiệu lạc quan trên, bước sang năm 2015, Chi cục NTTS tỉnh đề xuất một số chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu đạt sản lượng TS thương phẩm 13.080 tấn, riêng tôm thương phẩm là 8.350 tấn; sản xuất giống TS đạt 24 tỷ con. Theo hướng đó, đòi hỏi hoạt động NTTS ở tỉnh ta phải chú trọng tiếp cận kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hiện đại để bảo vệ môi trường nguồn lợi TS và nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất thu hoạch. Đặc biệt phải ổn định diện tích thả nuôi, kiểm soát và hạn chế dịch bệnh hiệu quả.
Bạch Thương