Trò chuyện với nông dân Tu Thanh Hường, chúng tôi được biết tuổi thơ của anh đầy nhọc nhằn. Trước năm 1975, gia đình anh di dời từ Sơn Hải về sống tại phường Mỹ Hải. Hàng ngày, anh vừa lam lũ làm thuê kiếm sống vừa đi học tại Trường Trung học Duy Tân. Sau khi hoàn thành chương trình trung học đệ nhất cấp, tương đương hết lớp 9 ngày nay, anh hồi cư về quê Sơn Hải. Trên vùng đất nắng gió ven biển, anh Hường làm rất nhiều nghề vừa phụng dưỡng cha mẹ già yếu vừa nuôi con. Ít ai ngờ anh nông dân tỉ phú của làng biển Sơn Hải ngày nay đã từng trải qua các nghề hớt tóc, thợ may, làm bánh ngọt, nấu rượu nuôi heo, chế biến nước mắm, sắm thuyền đi biển, chăn nuôi dê cừu…Trên bước đường làm ăn nhiều lúc thành công và cũng lắm lần thất bại, nợ nần chồng chất.
Anh Tu Thanh Hường được UBND tỉnh tặng bằng khen nông dân xuất sắc, giai đoạn 2009- 2014.
Tu Thanh Hường nhớ như in vào thời điểm cuối năm 1990, anh dốc hầu bao đóng mới chiếc thuyền 33 CV và mua sắm ngư lưới cụ đầu tư phương tiện làm ăn giao cho các em quản lý, khai thác. Do thiếu kinh nghiệm bám biển nên thuyền bị lỗ sở hụi, sau bốn năm bỏ tiền xuống biển không thu hồi được vốn. Ngậm ngùi nói lời chia tay với thuyền nghề, anh Hường lên rừng khởi nghiệp chăn nuôi dê. Nhờ nguồn vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Ninh Phước được 25 triệu đồng, anh mua 10 con dê cái và 1 con dê đực giống. Hôm sớm gắn bó với đàn dê, anh nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng và biện pháp phòng chữa bệnh cho gia súc. Đàn dê của anh phổng phao mau lớn, ít bệnh tật, sau ba năm tăng lên 350 con.
Cuối năm 2000, anh Hường bán dê chuyển sang đầu tư nuôi tôm sú trên vùng đất cát ven biển Từ Thiện. Ngay trong vụ nuôi đầu tiên với 1 ha mặt nước, anh thu 6,5 tấn tôm thịt bán giá 115 ngàn đồng/kg, doanh thu gần 750 triệu đồng. Anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đìa lên 7 ha và chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ có kiến thức căn bản, anh học hỏi áp dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật vào việc phòng trừ dịch bệnh trên ao nuôi. Anh vận động những nông hộ liền kề thành lập nhóm liên kết nuôi tôm an toàn sinh học hiện có 13 thành viên. Nhóm sinh hoạt định kỳ hàng tháng trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm, cung cấp nguyên liệu tôm sạch cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, anh Hường xuất đìa 150- 200 tấn tôm thương phẩm, doanh thu trên 10 tỉ đồng. Anh tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, ngoài lo ăn ở hàng ngày tại đìa, anh trả lương cho lao động 3- 4 triệu đồng/người/tháng. Sau mỗi kỳ thu hoạch tôm và vào dịp tết, anh có chế độ thưởng tăng thêm thu nhập cho người lao động.
“Tôi rất vui khi được UBND tỉnh tặng bằng khen biểu dương nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi. Đây là phần thưởng cao quý của chính quyền địa phương động viên tôi tiếp tục nỗ lực vươn lên trong công việc làm ăn và giúp đỡ bà con thôn xóm, góp phần xây dựng nông thôn mới xã Phước Dinh ngày càng phát triển phồn vinh”, anh Tu Thanh Hường chia sẻ.
Sơn Ngọc