Chúng tôi đến thăm vườn táo của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Với diện tích 4 sào, anh Dũng được Công ty hỗ trợ 100% phân bón cho 2 sào và được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư hướng dẫn bón phân cân đối, hợp lý theo quy trình của Sở NN&PTNT và 2 sào còn lại làm đối chứng. Công ty đã hỗ trợ cho hộ anh Dũng 3.000 kg phân chuồng, 50 kg NPK Phú Mỹ 16-16-8+13S, 100 kg NPK Phú Mỹ 15-15-15, 40 kg Ure, 20 kg Kali Clorua. Lượng phân chia làm 3 đợt bón vào các thời điểm: sau cắt cành, ra bông rộ, sau khi đậu trái. Vườn táo đối chứng được anh Dũng canh tác theo kinh nghiệm của mình, anh bón 3.000 kg phân chuồng, 160 kg NPK 20-20-15, 50 kg NPK 20-0-10, 20 kg Ure, 20 kg Kali Clorua do nhiều nhà máy sản xuất và chia làm 4 đợt bón vào các thời điểm: sau cắt cành, trước khi ra hoa rộ, trái bằng hạt tiêu, trái bằng đầu ngón tay.
Anh Nguyễn Văn Dũng chăm sóc vườn táo thực hiện mô hình bón phân cân đối.
Thạc sĩ Lê Thị Thanh Phương trực tiếp theo dõi mô hình trình diễn cho biết, so sánh giữa hai phương pháp bón phân nói trên cho thấy vườn táo mô hình bón phân cân đối, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây táo. Vườn đối chứng, anh Dũng sử dụng phân bón chưa hợp lý dẫn đến hệ quả là chi phí đầu tư cao và năng suất thấp. Trên 2 sào táo áp dụng mô hình trình diễn, tổng chi phí là 12,6 triệu đồng, năng suất đạt 9,8 tấn, lợi nhuận 26,6 triệu đồng. Trong khi đó, 2 sào táo đối chứng tổng chi phí 14 triệu đồng, năng suất đạt 8 tấn, lợi nhuận 17,8 triệu đồng, giá bán tại vườn bình quân 4.000 đồng/kg. So với vườn táo đối chứng, mô hình trình diễn phân bón Phú Mỹ đã đem lại lợi nhuận cao hơn 9,7 triệu đồng/2 sào. Ngoài ra, do bón phân hợp lý nên vườn táo trình diễn ít sâu bệnh hại, thịt trái giòn, vị ngọt thanh, màu sắc xanh bóng đẹp hơn vườn táo đối chứng.
Ngồi dưới vườn táo trái chín chật cành, anh Nguyễn Văn Dũng phấn khởi nói: “Mô hình trình diễn bón phân Phú Mỹ cân đối và hợp lý trên cây táo do Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực về lợi nhuận kinh tế, nâng cao chất lượng trái táo xanh. Gia đình tôi tiếp tục áp dụng quy trình bón phân hợp lý trên cây táo trong những mùa sau và chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong thôn xóm”.
Sơn Ngọc