Bà Năm Đức hết lòng làm việc nghĩa

(NTO) Chẳng biết tự khi nào, những người nghèo gặp cảnh éo le lại tìm đến bà Năm Đức (thôn Mỹ Tân 2, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải). Hơn 20 năm qua, bà đã kết nối nhiều tấm lòng nhân ái, vận động quyên góp tiền để chữa bệnh cho người nghèo.

Theo lời giới thiệu của bà Đào Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, chúng tôi tìm gặp chị Trần Thị Xí, 43 tuổi ở thôn Mỹ Phong. Nhiều năm nay gia đình chị chưa có nhà ở, hiện ở nhờ nhà của cha mẹ ruột. Không có ruộng, rẫy để sản xuất, hai vợ chồng chỉ biết làm thuê kiếm sống qua ngày.

Bà Phạm Thị Năm.

Chị Xí lại không may mắc phải bệnh tim, dù biết bệnh từ lâu nhưng gia đình đành bất lực vì không có tiền chữa trị. Trước hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, bà Năm Đức đã vận động nhân dân thôn Mỹ Tân ủng hộ được 15 triệu đồng, sau đó đưa chị vào Bệnh viện Tim TP. Hồ Chí Minh khám bệnh. Để có đủ chi phí thay van tim cho chị Xí, bà Năm Đức đã liên hệ tới nhiều trung tâm nhân đạo, kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Tháng 5-2013, chị Xí phẫu thuật tim thành công và chi trả được khoản viện phí 80 triệu đồng. Sức khoẻ tiến triển tốt, giờ chị có thể làm những việc nhẹ nhàng, hàng ngày bán hàng nước trước cổng trường học để có thêm thu nhập cho gia đình. Còn chị Nguyễn Thị Kít, ở thôn Mỹ Tân 2 không giấu nổi niềm xúc động: “Suốt đời này tôi không bao giờ quên ân nghĩa của bà Năm. Nếu không có bà, thằng nhỏ nhà tôi chẳng sống được đến ngày hôm nay.” Cách đây 8 năm, cháu Nguyễn Ẩn, con trai chị được phẫu thuật tim nhờ số tiền vận động của bà Năm Đức. Từ cậu bé yếu ớt, dặt dẹo ngày nào, Ẩn năm nay 18 tuổi đã trở thành thợ sửa máy tàu thuyền.

Bà Năm Đức tên thật là Phạm Thị Năm (59 tuổi), có 28 năm gắn bó với công tác phụ nữ ở địa phương, hiện bà đảm nhận vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Tân 2, là người có uy tín được dân làng nể trọng. Ở bà luôn có tình thương đặc biệt dành cho người nghèo, bởi họ vốn chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Trường hợp mắc phải bệnh hiểm nghèo, người nghèo càng gặp nhiều khó khăn liên quan đến chi phí khám và điều trị, nhất là những bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài. Trước những hoàn cảnh éo le cần giúp đỡ, bà Năm lại đến từng nhà trong thôn quyên góp tiền để ủng hộ gia đình người bệnh. Điều đáng quý ở đây, dù giàu hay nghèo thì những ngư dân làng biển luôn sẵn lòng giúp đỡ người hoạn nạn bằng tinh thần đoàn kết, thương người như thể thương thân. Nhiều năm buôn bán trong TP. Hồ Chí Minh, bà Năm còn biết một số địa chỉ “nhân ái” trong các bệnh viện lớn, trung tâm từ thiện cộng đồng. Bà thường chỉ dẫn cho gia đình bệnh nhân, nhiều khi trực tiếp đưa người bệnh vào tận nơi, lo chạy chữa cho họ như người thân của chính mình. Chứng kiến nhiều cảnh đau ốm, bệnh tật, bà càng thấu hiểu ý nghĩa nhân văn của thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người nghèo. Vì thế, trong công tác phụ nữ ở địa phương, bà tích cực tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh, góp phần giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, có cơ hội chữa trị khi mắc bệnh hiểm nghèo. Riêng năm 2014, bà đã thuyết phục được 495 người tham gia BHYT tự nguyện.

Suốt nhiều năm qua, bà Phạm Thị Năm âm thầm làm việc thiện để mang niềm vui, hạnh phúc đến cho người nghèo. Bà không nhớ mình đã cứu giúp được bao nhiêu trường hợp, chỉ biết rằng chưa bao giờ bà cảm thấy mệt mỏi với việc “nghĩa” mà mình đang làm. Bà từng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Dân số- Kế hoạch hoá gia đình giai đoạn 2001-2010 và nhiều giấy khen của các cấp, các ngành.