Dù đã 12 năm không xuất hiện ca bệnh dịch hạch nào nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch hạch trên thế giới, chiều 2-12, Bộ Y tế đã họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch hạch với sự tham gia của đại diện các ngành liên quan.
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác sẵn sàng chống dịch.
Tiếp đó, ngày 3-12, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nguyễn Thanh Trường (Trưởng khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM) và Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trí Dũng (Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM) đã có cuộc giao lưu trực tuyến qua báo chí để tư vấn cho cộng đồng rõ hơn về bệnh dịch hạch.
Theo bác sĩ Trường, nguồn bệnh lây truyền bệnh dịch hạch chủ yếu từ loài động vật gặm nhấm (khoảng 7.200 loài) nhưng chính yếu nhất vẫn là chuột, cả chuột cống lẫn chuột đồng. Trung gian truyền bệnh thường gặp nhất là loài bọ chét, ngoài ra có thể do rận, chấy... Đường lây truyền chủ yếu là qua đường máu, do bọ chét hút máu chuột bệnh rồi cắn sang người. Bệnh này cũng có thể lây qua đường hô hấp do hít phải những giọt bắn từ người bệnh dịch hạch thể phổi. Hiếm gặp lây truyền qua da, niêm mạc hay là đường tiêu hóa. Khi chúng ta ăn phải những sản phẩm bị ô nhiễm vi khuẩn dịch hạchnhưng được nấu chín kỹ thì vẫn không bị nhiễm bệnh.
Phân tích rõ hơn, bác sĩ Dũng cho biết dịch hạch do trực khuẩn Yesinia pestis gây bệnh. Ở Việt Nam, dịch hạch đa số ghi nhận phát triển vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Để kiểm soát bệnh dịch hạch và các bệnh lây truyền qua chuột, ngành y tế nước ta vẫn có kế hoạch tổ chức giám sát mật độ chuột và chỉ số bọ chét trên chuột, tổ chức các chiến dịch diệt chuột trọng điểm. Bên cạnh việc tổ chức diệt chuột theo kế hoạch của ngành y tế, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cũng cần nêu cao ý thức trong việc giữ vệ sinh trong nhà, xung quanh nhà, không để bừa bãi các thức ăn thừa làm nguồn thức ăn cho chuột sống và phát triển. Đồng thời thực hiện các biện pháp diệt chuột truyền thống nhằm góp phần giảm mật độ chuột, giảm nguy cơ lây truyền các bệnh từ chuột. Hiện các siêu thị có bán các loại hóa chất (được cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) dưới dạng viên kẹo để diệt chuột.
Ở góc độ điều trị, bác sĩ Trường cho hay bệnh dịch hạch có nhiều thể lâm sàng khác nhau, như: thể hạch, thể phổi, thể nhiễm trùng huyết...
Thể bệnh thông thường là thể hạch và biểu hiện lâm sàng của 1 ca dịch hạch thể hạch trải qua thời kỳ ủ bệnh tù 2 - 5 ngày, sau đó bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khởi phát với sốt cao đột ngột kèm ớn lạnh hoặc lạnh run, nhức đầu, ói mữa, đừ mệt rồi nổi hạch thường ở vùng bẹn, hạch nách, hạch cổ, dưới hàm. Hạch sưng to, rất đau và nóng. Nếu nhiều hạch thì có thể kết dính thành khối. Trong vòng 1 tuần hạch có thể hóa mủ và vỡ dò ra ngoài hoặc đóng kén, cũng có thể tự teo nhỏ lại. Về điều trị thì nên điều trị sớm tránh những biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Dũng, dịch hạch không lây truyền qua ăn thịt chuột. Tuy nhiên nếu chuột có mang vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, người làm thịt chuột có thể bị lây nhiễm qua vết thương trên da trong qúa trình tiếp xúc, làm thịt chuột.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc phòng ngừa dịch hạch được thực hiện bằng cách bảo đảm ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín nấu sôi; vệ sinh môi trường, xung quanh nơi cư ngụ phải sạch sẽ; nơi nào có chuột chết nhiều bất thường cần báo ngay cho cơ quan y tế; nếu sống trong vùng có dịch, khi có biểu hiện sốt cao, nghi ngờ bi bệnhthì hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu có yếu tố nguy cơ hay bị bọ chét đốt thì có thể sử dụng thuốc phòng ngừa (Tetracilin hay Quinolone) uống trong vòng 5 ngày. Việc chủng bằng vaccine hiện nay đã có vaccine sống giảm độc lực tiêm dưới da, tuy nhiên hiệu quả chủng ngừa không cao và việc chỉ định chủng ngừa bằng vaccine chỉ áp dụng cho những người đi đến vùng có dịch bệnh đang xảy ra.
Bác sĩ Trường lưu ý đường lây của dịch hạch trước hết là từ người sang người nếu chúng ta tiếp xúc trực tiếp với người bệnh dịch hạch thể phổi mà không đeo khẩu trang. Những đường lây truyền còn lại là: đường máu (phổ biến nhất qua vết đốt của bọ chét); đường tiêu hóa (qua ăn uống phải thức ăn bị ô nhiễm, tuy nhiên hiếm gặp); đường da, niêm mạc (do da bị tổn thương, tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh, nhưng hiếm gặp); đường hô hấp (do hít phải những giọt bắn, tiết ra từ người bệnh dịch hạch thể phổi qua ho, hắt hơi, khạc nhổ).
Việt Nam từng có dịch tương đối nặngTiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng điều kiện sinh cảnh, môi trường, vật chủ tại Việt Nam rất thuận lợi cho bùng phát và lan truyền bệnh dịch hạch. Lý do vì Việt Nam từng có dịch tương đối nặng, từ những năm đầu thế kỷ 19 đến năm 2002.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có hơn 1.300 km đường biên giới với Việt Nam và vẫn tồn tại các ổ dịch hạch trên động vật hoang dã. Tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sát biên giới phía Bắc Việt Nam và có giao lưu rộng rãi về hàng hóa với nhiều tỉnh thành trên cả nước, là nơi từng ghi nhận ca bệnh vào các năm 1990-1999. Ngày 7-7, tỉnh Cam Túc của Trung Quốc xuất hiện một ca bệnh dịch hạch thể phổi trên người.
Lương Duy Cường