Bệnh phong rất khó lây lan, nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân trong thôn còn thấp, dẫn tới quan niệm sai lầm rằng: Bệnh phong dễ lây lan, không có thuốc chữa... làm cho những người mắc bệnh trở nên mặc cảm, phải sống biệt lập trên rừng, rẫy.
Anh Ca Dá Hiếu (Phải) thường xuyên đến thăm hỏi cuộc sống của người mắc bệnh phong trước đây.
Không những thế, một số người bệnh còn không tin vào y học hiện đại mà tìm tới cúng bái, mê tín dị đoan để mong chữa cho khỏi bệnh này nên để bệnh phát triển nặng hơn dẫn đến tàn tật, bị cộng đồng xa lánh... Với quyết tâm thay đổi quan niệm sai lầm về bệnh phong trong cộng đồng, năm 1995, anh Ca Dá Hiếu đã tình nguyện tham gia công tác y tế thôn.
Anh Hiếu đã tới tận nơi những người bệnh phong đang ở, tuyên truyền, vận động họ trở về làng để chữa bệnh; luôn ân cần chia sẻ, động viên, nhắc nhở người bệnh uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, hướng dẫn họ một số cách phòng, chống bệnh tại nhà... Nhờ vậy, hầu hết người mắc bệnh phong đã vượt qua mặc cảm, tự ti, nỗ lực chữa bệnh. Ông Pi-năng Vang, một trong những người từng bị bệnh phong ở thôn Ma Rớ cho biết: “Lúc trước tôi bị bệnh này, sợ lắm, phải lên rẫy ở. Được anh Hiếu vận động và được cán bộ y tế chữa bệnh nên khỏi bệnh rồi, cái bụng rất phấn khởi”!
Anh Ca Dá Hiếu cũng tích cực tuyên truyền tới toàn thể người dân trong thôn về căn bệnh này, thường xuyên lồng ghép trong tuyên truyền những kiến thức về bệnh phong, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị bệnh, bài trừ mê tín dị đoan tới để người dân hiểu và làm theo... Nhờ vậy, hiện nay những người từng mắc bệnh phong trong thôn đã trở về sống với gia đình, trong sự chăm sóc, đùm bọc của người thân và cộng đồng.
Y sỹ Chamaléa Vương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Thành bày tỏ niềm vui bằng những con số để chứng minh: “Từ năm 1993 đến nay, trên địa bàn thôn Ma Rớ có 6 trường hợp mắc bệnh phong được phát hiện và điều trị khỏi hoàn toàn. Anh Ca Dá Hiếu là tình nguyện viên tích cực nhất. Anh đã phát hiện người mắc bệnh để báo cho Trạm Y tế, đồng thời tuyên truyền những kiến thức cơ bản về bệnh phong giúp người dân hiểu đúng về bệnh, giúp những người mắc bệnh phong không còn mặc cảm, tự ti và tự nguyện tìm đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời”.
Hồng Lâm