CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Bao giờ cây trái “đặc sản” lên ngôi?

(NTO) Những năm gần đây, Ninh Thuận được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến không chỉ có thắng cảnh về các vùng biển còn hoang sơ, trong lành với nhiều sản vật biển vừa ngon, vừa rẻ… mà còn bởi một số nông phẩm đã làm nên “thương hiệu” riêng có.

Đầu tiên là nho, kế đến là tỏi, hành… riêng táo xanh tuy mới “nổi” nhưng đã để lại nhiều “ấn tượng” bởi độ giòn, ngọt và hơn tất cả là độ tin cậy về chất lượng “sạch” của trái cây trong tỉnh, tạo cho người tiêu dùng yên tâm trước làn sóng phản ứng các loại trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, thậm chí có không ít người lo ngại về tác nhân gây ung thư nếu dùng…

Người tiêu dùng mua táo xanh Ninh Thuận tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà.
Ảnh: Sơn Ngọc

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 730 ha nho đã cho trái với sản lượng hàng năm cung cấp cho thị trường chủ yếu là ngoài tỉnh trên 20.330 tấn với giá bình quân tại vườn dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg nho đỏ, nho xanh có giá cao hơn, bình quân trên 35.000 đồng/kg. Riêng cây táo hiện có trên 1.000 ha cho trái với sản lượng gần 42.400 tấn. Ngoài ra còn có trên 500 ha xoài các loại… Tỏi cũng là đặc sản bởi chất lượng cay, thơm, hàm lượng tinh dầu cao, giá bán cũng phải chăng, bình quân 50.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, nếu mua tại ruộng giá thấp hơn khoảng 1/3… Điều đáng nói “đẳng cấp” là vậy, “thương hiệu” là vậy nếu không muốn nói là không có “đối thủ” cạnh tranh. Sản lượng hàng năm cũng chưa phải là nhiều để gọi là phải mất giá nếu cung ứng cho thị trường cả nước… nhưng tiêu thụ vẫn ì ạch, có lúc còn “đại hạ giá”. Đơn cử như táo xanh có thời điểm giá chỉ còn hơn 3.000 đồng/kg tại vườn và cũng có thời điểm rẻ đến mức thà dành cho gia súc ăn để khỏi lỗ công thu hoạch như một số “nhà táo” phản ảnh. Nho, tỏi… cũng vậy. Tại sao?

Theo tìm hiểu chúng tôi, ngoài yếu tố khách quan là sự “khó tính” của thị trường đối với hàng tươi sống và yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng sạch dư lượng thuốc, phân… thì phần lớn do yếu tố chủ quan từ phía người sản xuất. Đó là, mặc dù đã xác lập được nhãn hiệu “cầu chứng” cho nho, táo, tỏi và một số nông sản khác nhưng để phát huy “thương hiệu” bằng việc quảng bá, sử dụng bao bì, nhãn mác… nhằm giới thiệu và khẳng định độ tín nhiệm đối với người tiêu dùng lại chưa được chú ý, thậm chí là không được quan tâm. Không đâu xa, nếu có dịp vào siêu thị Co.opmart Thanh Hà thì chỉ có sản phẩm chế biến từ nho của một vài doanh nghiệp…lèo tèo và một ít tỏi được treo ở 1 góc khiêm tốn, ít người chú ý. Đáng nói nữa là khâu lưu thông chưa được tổ chức quy mô, bài bản bởi doanh nghiệp hay tổ hợp tác mà chủ yếu thả nổi cho thương lái phân phối. Hệ lụy của cách làm này là người sản xuất không biết thị trường tiêu thụ ở đâu, nhu cầu bao nhiêu, giá cả thế nào… mà hoàn toàn phụ thuộc thương lái. Đã phụ thuộc thì tất yếu là giá cả bị chi phối theo kiểu “mua rẻ, bán đắt”. Không đâu xa, có doanh nghiệp tư nhân mua nho xanh của “nhà nho” chỉ từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg nhưng bán lại cho khách hàng giá gấp đôi! Tính hiệu quả của thương hiệu là vậy.

Vấn đề đặt ra là bao giờ cây trái tỉnh ta… lên ngôi!. Câu trả lời không khó, chỉ khó là ngay chính người sản xuất có chịu “đổi mới” cách làm ăn hay không mà thôi!. Bài học cũ về sản xuất trong cơ chế thị trường, đó là “sản xuất và cung cấp những sản phẩm thị trường cần chứ không phải cung cấp những sản phẩm mà mình có” vẫn còn luôn mới trước thực trạng hiện nay.