Tham gia mô hình có 4 hộ ở thôn Hiệp Kiết, với tổng diện tích 3 ha. Xác định ý nghĩa của việc thực hiện mô hình có hiệu quả sẽ nâng cao giá trị đơn vị diện tích, góp phần vào xây dựng NTM, nên địa phương đã chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị từ chọn hộ đủ điều kiện thực hiện mô hình, đến phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyên đề về kỹ thuật thâm canh cây bắp lai, đậu xanh.
Mô hình “Luân canh cây trồng cạn bắp lai vụ đông xuân - đậu xanh vụ hè thu”
triển khai tại xã Công Hải (Thuận Bắc) có hiệu quả.
Anh Tạ Văn Hùng được chọn thực hiện mô hình thí điểm với diện tích 1,4 ha, cho biết: Khu vực đất gò của gia đình khô cằn, trước đây hằng năm vào mùa mưa trỉa bắp địa phương, sản xuất phụ thuộc nước trời nên rất bấp bênh. Qua tập huấn, mình nắm vững kỹ thuật luân canh theo công thức thức “1 vụ bắp, 1 vụ đậu xanh” và đã áp dụng có hiệu quả.
Anh Lê Hồng Khải, cán bộ Phòng Quản lý Khoa học và Cơ sở (Sở KH&CN) cho biết: Quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật đi thực địa hướng dẫn các hộ canh tác đúng theo quy trình kỹ thuật từ khâu xuống giống đúng thời vụ, đến bón phân cân đối, nên bắp, đậu xanh phát triển nhanh. Đối với bắp lai NK67 thời gian sinh trưởng từ khi trỉa hạt đến thu hoạch dao động 112 - 123 ngày. Trong suốt quá trình phát triển chiều cao và lá tăng dần lên, ổn định ở thời điểm 60 ngày. Trung bình mỗi cây cao 216 cm, đạt 13 lá/cây. So sánh với bắp địa phương thì thân bắp lai cao gấp rưỡi, nhiều lá hơn, đây là yếu tố quan trọng để cây quang hợp và tích lũy chất hữu cơ trổ cờ, phun râu, kết trái. Qua lấy mẩu tự nhiên để đánh giá, trái bắp lai nặng trung bình 290 gram, hạt dày, đều, năng suất trung bình đạt 7,2 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 1,7 tấn/ha. Hộ trồng 1 ha thu được 43 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng, cao hơn trồng bắp địa phương 5 triệu đồng.
Sau khi thu hoạch xong vụ bắp đông-xuân, 4 hộ thực hiện mô hình để cho đất nghỉ 1 tháng rồi tiếp tục sản xuất đậu xanh ĐX208 vụ hè-thu. Đầu vụ, cán bộ Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Thuận Bắc khuyến cáo các hộ trỉa hạt mật độ vừa phải, khoảng cách trồng thích hợp (250.000 cây/ha), để lá đậu dễ dàng tiếp nhận ánh sáng quang hợp. Đến thời điểm 70 ngày sau khi xuống giống, chiều cao đậu đạt 60 cm, dài hơn đậu canh tác theo tập quán cũ 10 cm. Kết quả thu hoạch năng suất đạt 1,15 tấn/ha. Hộ trồng 1 ha đậu xanh thu được 28,7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận 14,6 triệu đồng. Tính chung cả 2 vụ: Bắp lai đông-xuân và đậu xanh hè-thu, mô hình luân canh cây trồng cạn đạt lợi nhuận 34,8 triệu đồng/ha/năm, nâng giá trị đơn vị diện tích tăng thêm 19,8 triệu đồng/ha. Do mô hình đạt hiệu quả, nên được các hộ duy trì liên tục trong những năm tiếp theo. Đến nay, tại xã Công Hải có 50 hộ thực hiện mô hình, với tổng diện tích khoảng 100 ha, phạm vi mở rộng ra tất cả các thôn trên địa bàn xã.
Thông qua thực hiện mô hình đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc luân canh cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; đồng thời, bổ sung giống mới, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương đẩy mạnh chuyển đối cơ cấu cây trồng.
Anh Tùng