Trước đây, kinh tế gia đình của anh Chamaléa Nương, ở thôn Suối Rớ chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy. Vì đất khô cằn, thiếu nước, nên sản xuất kém hiệu quả. Từ năm 2007, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn 5 triệu đồng, cùng với số tiền giúp đỡ từ người thân, anh quyết định mua 2 con bò cái về nuôi và trồng thêm 3 sào lúa nước. Nhờ biết áp dụng các phương pháp chăn nuôi hiệu quả, đến nay gia đình anh đã sở hữu trên 10 con bò. Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, từ số tiền bán bò và số dư từ thu hoạch lúa, dần anh tích lũy được một số vốn. Đến năm 2011, gia đình anh đã thoát được nghèo và hoàn trả hết số tiền vay ban đầu. Không chỉ dừng lại ở đó, đầu năm 2014, với quyết tâm làm giàu, anh tận dụng nguồn nước của hồ Sông Sắt cải tạo lại đất, trồng thử nghiệm 1 ha mía. Từ lúc xuống giống, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn chăm sóc nên cây mía phát triển rất tốt. Theo dự tính, vụ mía năm nay thuận lợi, còn 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, ước nguyện xây nhà mới của hai vợ chồng anh Nương theo đó sẽ sớm thành hiện thực.
Anh Chamaléa Nương chăm sóc ruộng mía của gia đình.
… Rời thôn Suối Rớ, chúng tôi đến thôn Núi Rây, thăm gia đình ông Pi-năng Dép. Trước kia, cũng thuộc hộ nghèo của xã, cuộc sống khó khăn, chật vật. Tuy có hơn 2 ha đất rẫy, nhưng liên tiếp nhiều vụ trồng bắp, đậu... đều cho năng suất thấp. Quyết tâm không để cái nghèo đeo bám, ông đào ao trữ nước để phục vụ cho việc trồng lúa 3 vụ/năm. Vận dụng kiến thức từ các lớp tập huấn khuyến nông ở xã và học hỏi kinh nghiệm từ những người ở địa phương ứng dụng vào canh tác nên năng suất lúa mỗi vụ đều đạt khá từ 5- 6 tấn/ha. Ngoài ra, ông còn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mua 1 con bò, 2 con heo nái và 50 con gà về nuôi. Nhờ phát triển kinh tế theo hướng trồng trọt kết hợp với chăn nuôi nên đã đem lại cho gia đình ông thu nhập hàng năm trên 50 triệu đồng. Ông phấn khởi: Giờ đây, gia đình mình không chỉ trả xong số tiền vay của Ngân hàng mà còn thoát được nghèo nên vui lắm.
Đồng chí Pi-năng Hương, Chủ tịch UBND xã Phước Chính cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với nỗ lực vươn lên của chính bản thân, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã thay đổi nhận thức, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập. Từ đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 50,9% (năm 2010) xuống còn 28,7%.
Hồng Lâm