Gỡ "nút thắt" cho đầu ra hàng nông sản đặc thù

(NTO) Rau, nho, táo sản xuất theo quy trình VietGAP được xem là mặt hàng nông sản đặc thù đang bị “nghẽn” đầu ra khiến nông dân phải bán "sa cạ” cho thương lái với giá thấp. Nếu tình trạng kéo dài, nhiều nông hộ dễ quay lại phương pháp canh tác cũ.

Chương trình trồng rau an toàn (RAT) ở tỉnh ta được triển khai vào vụ đông- xuân 2009-2010, bắt đầu ở xã An Hải (Ninh Phước), Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) với vài chục ha, đến nay lan rộng sang nhiều địa phương khác quy mô lên tới hàng trăm ha. Ưu thế của trồng RAT là năng suất và chất lượng cao, nên rất nhiều hộ đã không ngần ngại đầu tư làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, hướng tới sản xuất bền vững.

Nông dân xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) trồng nho theo quy trình VietGAP.

Tuy nhiên, khi diện tích được mở rộng, sản lượng ngày càng tăng, nông dân lại gặp khó khăn về đầu ra. Đồng chí Trần Khánh Ninh, Chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết: Diện tích RAT ở địa phương hơn 100 ha (tập trung ở thôn Nam Cương và Tuấn Tú) mỗi ngày sản xuất được khoảng 10 tấn, nhưng Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà chỉ tiêu thụ chừng 200 kg, phần lớn còn lại thương lái thu gom với giá ngang bằng rau sản xuất thông thường. Cùng chung cảnh ngộ, nho, táo sản xuất theo quy trình VietGAP ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thương lái cũng đánh đồng giá với nho, táo thường.

Hàng nông sản đặc thù canh tác tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng bán giá bằng với các mặt hàng thông thường khác là rất thiệt thòi cho hộ trồng. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Lê Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng đã làm việc với nhiều doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản sạch để khuyến khích nông dân sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy vậy, đến nay chỉ mới đưa được rau sạch vào tiêu thụ ở Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà với khối lượng khiêm tốn; phần lớn còn lại bà con phải bán lẫn lộn ngoài thị trường. Cũng theo đồng chí Nguyên, “nút thắt” đầu ra hàng nông sản đặc thù chính là khâu phân phối chưa khoa học.

Theo quy trình, rau, táo, nho sạch khi thu hoạch được chuyển về các HTX để phân loại, đóng bao bì, dán nhãn hiệu trước khi giao cho doanh nghiệp đưa tiêu thụ như hợp đồng ký kết. Nhưng sự liên kết này hiện rất lỏng lẻo vì “nhà nông” và “nhà doanh nghiệp” đều chạy theo lợi ích tức thời. Hạn chế của nông dân là sản xuất manh mún, bỏ qua khâu phân loại, đóng gói ghi xuất xứ, nên người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm sạch, đâu là sản phẩm thường. Đối với doanh nghiệp, vì đề cao mục đích lợi nhuận hàng đầu, nên chỉ mua những mặt hàng thị trường khan hiếm, giá thấp. Ông Lý Minh Đông, Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà thổ lộ: Thời điểm hiện nay, siêu thị cần một khối lượng lớn ổi Đài Loan, nhưng mỗi tuần nông dân chỉ cung cấp được 40 kg, trong khi mặt hàng rau xanh lại dư thừa.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ dựa vào Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, thì không cách gì tiêu thụ hết hàng nông sản sạch, mà phải mở rộng thị trường ra toàn quốc. Đồng chí Lê Văn Nguyên, cho biết thêm: Thời gian qua, ngành chức năng đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu hàng nông sản đặc thù của tỉnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Nhìn chung, khách hàng rất ưa chuộng nho, táo của Ninh Thuận sản xuất theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, để đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị trên toàn quốc, sản phẩm phải ghi rõ xuất xứ sản xuất, chất lượng; giá cả cạnh tranh; nguồn hàng dồi dào cung cấp thường xuyên cho doanh nghiệp với khối lượng lớn.

Như vậy, để mở rộng đầu ra cho hàng nông sản đặc thù, vấn đề là nông dân phải liên kết sản xuất trên quy mô lớn; đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật nhằm tăng năng suất, giảm giá thành; đặc biệt là sử dụng công nghệ bảo quản, đóng bao bì ghi rõ xuất xứ; đồng thời tổ chức phân phối linh hoạt cho từng mặt hàng.