Bác Ái: Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014

(NTO) Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014 ở huyện Bác Ái, đến thời điểm hiện nay, trong số 26 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện giao đã có 19 chỉ tiêu đã “cán đích”. Còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch, toàn bộ hệ thống chính trị ở địa phương đang nỗ lực vào cuộc phấn đấu đạt các chỉ tiêu còn lại.

Trong số các chỉ tiêu đạt được, đáng kể nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm 8%, xuống còn 30%. Những năm trước, dù huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, nhưng cũng chỉ giảm được từ 3% đến 4%, vì thế kết quả đạt được của năm nay là rất đáng ghi nhận. Đồng chí Pinăng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đạt được kết quả trên đó là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện và sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể. Cũng như mọi năm, huyện ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn Chương trình mục tiêu, dự án để triển khai đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng những mô hình sản xuất có hiệu quả, tạo thêm thu nhập cho người dân nhằm “kéo” hộ nghèo xuống, nhưng cách làm năm nay “sát sườn” hơn.

 
Chăn nuôi gia súc có sừng ở huyện Bác Ái ngày càng phát triển.

Với huyện miền núi trình độ dân trí thấp, Bác Ái hiểu rằng để làm thay đổi nhận thức của nông dân từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất không thể “hô hào” chung chung mà phải sâu sát với cơ sở, giúp dân bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”. Mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” trước đây được triển khai thí điểm ở Phước Tiến nay nhân rộng ra nhiều xã khác, góp phần vào đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo. Cụ thể, đầu năm xã Phước Tân đã cử 15 cán bộ xã, mỗi cán bộ trực tiếp giúp 2 hộ nghèo làm lúa nước. Đồng chí Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết: Liên tiếp 2 vụ lúa hè-thu và vụ mùa trên cánh đồng Lưỡi Mẫu rộng 29 ha luôn có cán bộ “bám đồng” hướng dẫn bà con cày đất, gieo giống, bón phân… Kết quả năng suất lúa vụ hè-thu vừa qua đạt 6 tấn/ha, cao hơn sản xuất truyền thống 3 tấn, hàng chục hộ dân vì thế có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Riêng chỉ tiêu cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy chưa đạt kế hoạch, nhưng so với năm trước tăng 57%, góp phần rất quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai có hiệu quả. Những năm trước, huyện đã rất cố gắng làm tốt công tác này để tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hạn chế tình trạng sang nhượng đất trái phép, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Khó khăn trong thực hiện lĩnh vực này là do địa bàn miền núi rộng, các loại đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp chưa được phân định rõ ràng, nguồn gốc đất có lịch sử phức tạp, nên phát sinh nhiều tranh chấp. Đơn cử như ở Khu tái định cư xã Phước Thắng, khi nhà nước khai hoang đất sản xuất cấp cho các hộ dân đã nảy sinh tranh chấp với một số hộ dân ở xã Phước Chính, khiến cho có một thời gian sản xuất bị đình trệ, mới đây mới giải quyết được. Trong khó khăn, Bác Ái đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để năm nay công tác cấp Giấy CNQSDĐ có chuyển biến tích cực, tạo đà cho năm tới làm tốt hơn. Nhờ huyện chỉ đạo quyết liệt thành lập đoàn công tác trực tiếp về các xã kiểm tra, đôn đốc việc kê khai đất, tháo gỡ vướng mắc ngay từ cơ sở, nên đã cấp Giấy CNQSDĐ cho 8.380 thửa, với tổng diện tích gần 1.000 ha, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Cân phân mà nói, Bác Ái thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong điều kiện không mấy thuận lợi, địa phương chịu nhiều thiệt hại do hạn hán kéo dài gây ra. Các đợt nắng nóng trong năm làm 540 ha cây trồng (chủ yếu là bắp, lúa, mía, mì) ở các xã Phước Chính, Phước Thành, Phước Tân…thiệt hại nặng. Thời tiết khắc nghiệt, làm cho chỉ tiêu về tổng diện tích gieo trồng, tổng sản lượng lương thực không đạt kế hoạch. Năm ngoái, tầm này các chỉ tiên trên đã “về đích”, nhưng năm nay tổng diện tích gieo trồng đạt 95%, tổng sản lượng lương thực đạt 84,7% kế hoạch.

Bù lại, chăn nuôi ở huyện Bác Ái có chuyển biến đáng mừng khi tăng cả về số lượng và chất lượng. Tổng đàn gia súc trên toàn huyện hiện có 43.598 con; trong đó, trâu, bò 16.986 con, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Chăn nuôi phát triển là nhờ phát huy được tiềm năng lợi thế của vùng núi để hình thành các trang trại. Đến nay, toàn huyện có 42 trang trại, gia trại hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó, việc thực hiện có hiệu quả Dự án hỗ trợ Tam nông cũng góp phần cho chăn nuôi phát triển.

Nhìn lại một năm thực hiện nhiệm vụ chính trị ở huyện vùng cao Bác Ái để thấy, dù trong điều kiện khó khăn nhưng địa phương đã đạt được những kết quả nhất định. Thành tích này, tạo đà để huyện phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015.