Quốc hội thông qua Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Sáng 20/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) với 86,92% số đại biểu tán thành.

Theo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

 

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.

60 ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.

Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.

Quốc hội giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách cơ bản về đối ngoại.

* Cũng trong sáng 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 71,43% số đại biểu tán thành.

Luật này quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Các chế độ bảo hiểm xã hội gồm: Bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bảo hiểm xã hội tự nguyện; Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.

Trong đó, Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất; Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ: Hưu trí; Tử tuất.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.

Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam