Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Tại Hội trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tập trung trả lời về tình trạng chung của hạ tầng giao thông; giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành quốc lộ 1A; trách nhiệm của Bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông…
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp đồng bộ nhằm giảm giá cước vận tải nói chung và giá cước hàng không nói riêng để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhất là sau này khi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Toàn ngành đang thực hiện tái cơ cấu từng lĩnh vực, bao gồm vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, hàng hải và thủy nội địa với mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm chi phí, điều chỉnh giá cước hợp lý. Với việc thực hiện tái cơ cấu, thời gian tới, cước vận tải nói chung cũng như cước vận tải hàng không nói riêng sẽ giảm.
Về Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội- Hà Đông, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn: Vì sao tiến độ Dự án quá chậm và đội vốn quá cao đến như vậy?. Bộ trưởng có cam kết khi đưa công trình này vào vận hành khai thác sẽ tuyệt đối an toàn không? Nếu không an toàn thì Bộ trưởng suy nghĩ thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Đoàn tàu được thiết kế với tốc độ bình quân 40km/h; sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Để đảm bảo an toàn cho dự án này trong quá trình thi công, khai thác vận hành thì khi dự án hoàn thành phải tổ chức nghiệm thu theo đúng quy định, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ đã tổ chức giám sát theo đúng thiết kế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.
Chất vấn Bộ trưởng về việc thi công dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua huyện Gia Lâm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho biết: Công trình thi công đã chia cắt đồng ruộng, gây hư hỏng hệ thống thủy lợi nội đồng, ảnh hưởng sinh hoạt và sản xuất của người dân. Bộ Giao thông đã chỉ đạo chủ đầu tư bổ sung hầm giao thông dân sinh. Tuy nhiên, cử tri đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào bắt đầu thi công và đến khi nào thì hoàn thành?. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, những gì Bộ trưởng đã hứa với người dân sẽ được thực hiện đúng và hầm chui dân sinh sẽ được xây dựng xong theo đúng kế hoạch. Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho rằng, khi tổ chức thi công, phải có sự thỏa thuận của nhà đầu tư, ban quản lý dự án, thỏa thuận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một số dự án do sự phối hợp các cơ quan liên quan không tốt nên việc thực hiện chưa tốt gây phiên hà cho dân. "Chúng tôi đã kiểm tra, chấn chỉnh", Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh), Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong việc để tồn tại tình trạng xe quá khổ, quá tải “băm nát” nhiều con đường, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp căn cơ, bền vững để xử lý vấn đề này trong khi cơ cấu vận tải còn bất hợp lý như hiện nay. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Sau này toàn bộ hệ thống cân sẽ được lắp cố định ở trạm thu phí trên toàn quốc. Bộ đã tổ chức cam kết giữa các chủ xe, chủ doanh nghiệp với các cơ quan quản lý không xếp hàng quá khổ quá tải; đồng thời tăng cường công tác đăng kiểm, vận động lái xe. Các cơ quan thực thi coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để không những bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông mà còn đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời phạt nặng hơn và yêu cầu xe quay trở lại chứ không hạ hàng.
Về câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Hùng (đoàn Lào Cai) về tiến độ xây dựng cầu treo, Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ với những khó khăn, nguy hiểm mà đồng bào ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa gặp phải trong thời gian qua như phải đu dây qua sông, qua sông bằng túi ni lon. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ đã chủ động đề xuất và xây dựng đề án phát triển cầu treo, cầu dân sinh cho 50 tỉnh trong cả nước. Theo dự kiến sẽ xây dựng 7811 cây cầu với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỉ đồng. Trước mắt, sẽ đầu tư xây dựng 186 cây cầu và đến ngày 30/6/2015 sẽ hoàn thành.
Liên quan đến chống thất thoát trong xây dựng và chất lượng các công trình giao thông, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để tránh tình trạng các công trình giao thông đội vốn lên rất cao nhưng chất lượng chưa cao. Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, có thực tế, một số dự án đầu tư đường cao tốc của nước ta có vốn rất lớn do nhiều nguyên nhân: Chi phí giải phóng mặt bằng lớn; vốn không lo đủ từ đầu nên kéo dài, trượt giá; rồi chi phí rà phá bom mìn. Đặc biệt, đường cao tốc Việt Nam đi qua các khu dân cư nên chi phí xây dựng nút giao, cầu vượt, hầm giao thông dân sinh cực kì lớn. Ví dụ, từ Hà Nội đi Hải Phòng chỉ có 106km mà có tới 10 nút giao (mỗi nút giao từ 800 đến 1000 tỉ đồng), 107 hầm dân sinh và 22 cầu vượt…
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng cũng giải trình làm rõ nhiều nội dung liên quan đến công tác đăng kiểm, kiểm soát tải trọng, việc chuyển giao quyền khai thác một số công trình giao thông quốc gia, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam