Luật Căn cước công dân gồm có 6 chương, 39 điều quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này áp dụng đối với công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật. (Ảnh: VPQH)
Như vậy, theo Luật Căn cước công dân vừa được Quốc hội thông qua, việc xác lập quy định cụ thể về cấu trúc số định danh cá nhân được giao cho Chính phủ quy định. Về độ tuổi cấp thẻ căn cước công dân, Luật quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên. Về những thông tin ghi trên thẻ, ngoài những thông tin như trong dự thảo Luật được thông qua đã bổ sung thêm ngôn ngữ tiếng Anh.
Trước khi Quốc hội thông qua toàn bộ dự thảo Luật Căn cước công dân, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật này
Theo Báo cáo giải trình, liên quan đến số định danh cá nhân (Điều 12), có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể cấu trúc số định danh cá nhân; ý kiến khác đề nghị quy định một số nguyên tắc xác lập số định danh cá nhân hoặc sử dụng số chứng minh nhân dân hiện nay làm số định danh cá nhân.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc xác lập số định danh cá nhân phải bảo đảm tính khoa học, tính khả thi, căn cứ vào yêu cầu quản lý và phù hợp thực tiễn. Do đó, việc giao Chính phủ quy định về vấn đề này là phù hợp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), UBTVQH đã chỉnh sửa Điều 12 giao Chính phủ quy định cụ thể về cấu trúc số định danh cá nhân như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Về tuổi cấp thẻ căn cước công dân vẫn có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên. Loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi như dự thảo Luật.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, ngày 1/11/2014, UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi Phiếu xin ý kiến ĐBQH về quy định tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, có 61% ĐBQH nhất trí với loại ý kiến thứ nhất; 27% ĐBQH nhất trí với loại ý kiến thứ hai; 12% ĐBQH có ý kiến khác. Tiếp thu đa số ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên và chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định liên quan cho phù hợp.
Về hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân, một số ý kiến đề nghị quy định trường hợp công dân mới được cấp hoặc đổi thẻ Căn cước công dân mà gần đến tuổi đổi thẻ theo quy định thì không phải đổi lại thẻ hoặc quy định chỉ cập nhật thông tin, không phải đổi thẻ theo độ tuổi. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý tên Điều 21 như dự thảo Luật cho phù hợp và quy định theo hướng trường hợp công dân được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trong thời gian 2 năm trước tuổi quy định phải đổi thẻ thì được tiếp tục sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo như dự thảo Luật trình Quốc hội...
Cũng trong chiều nay, với 75,65% số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hộ tịch.
Thời gian còn lại, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam