Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nêu ý kiến, Đề án trình Quốc hội lần này chỉ đề cập đến xây dựng chương trình mới, đi kèm biên soạn SGK mà chưa đề cập đầy đủ yếu tố khác cũng rất quan trọng như phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để phục vụ thực hiện chương trình mới chưa đầy đủ, không thể đảm bảo cho Đề án thành công vì thiếu đồng bộ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
“Việc biên soạn SGK không thuộc trách nhiệm bắt buộc của Bộ GD&ĐT. Do đó, Bộ GD&ĐT biên soạn SGK sẽ tạo sự nghi ngại về tính minh bạch, dư luận đánh giá động cơ không tốt của đề xuất này. Bộ nên tập trung nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính của mình” – ĐB Nguyễn Thành Tâm bày tỏ.
Ngoài ra, ĐB Nguyễn Thành Tâm đề nghị: Đề án chỉ tập trung vào thiết kế xây dựng một chương trình mới, cụ thể hóa các mục tiêu giáo dục cùng với đó là các tài liệu hướng dẫn chi tiết đúng với thẩm quyền được giao của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó để đảm bảo chương trình cần xác định các điều kiện thực thi, lộ trình biện pháp huy động, bố trí huy động lực lượng cần thiết bao gồm: tổ chức biên soạn thẩm định lựa chọn SGK; phát triển đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) đồng tình với việc xã hội hóa biên soạn SGK, có nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, ĐB cho rằng cách thể hiện trong Đề án cảm giác chỉ có Bộ GD&ĐT tham gia biên soạn, các chủ thể biên soạn khác chưa rõ. Thực tế, đã có những cuốn SGK được tác giả biên soạn hấp dẫn hơn SGK của Bộ. Vì vậy, Bộ GD&ĐT không nên biên soạn SGK mà nên dành kinh phí đó cho vấn đề cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng giáo viên.
“Cần làm rõ chủ thể tham gia biên soạn, thẩm định SGK để xã hội yên tâm, tránh tình trạng trăm hoa đua nở, ai cũng làm SGK thì sẽ lãng phí. Ngoài ra, Bộ cũng cần xây dựng tiêu chuẩn những người được tham gia biên soạn, thẩm định SGK. Bộ GD&ĐT nên có quy trình, tiêu chí thẩm định, biên soạn SGK và công bố công khai cho dân biết, giám sát”, ĐB Thùy Trang đề xuất.
ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cho rằng: Việc đổi mới chương trình, SGK là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của đất nước, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH. Đây là phản ứng rất kịp thời của Bộ GD&ĐT đối với việc thể chế hóa Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
ĐB Ngô Đức Mạnh ủng hộ chủ truơng một chương trình, nhiều bộ SGK. Và nếu Bộ GD&ĐT tập trung lực lượng biên soạn 1 bộ SGK là điều cần thiết vì Bộ là cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản.
Ngoài ra, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) và nhiều đại biểu khác bày tỏ nhất trí với đề xuất Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK khác nhằm đảm bảo sự chủ động về thời gian, công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả ba cấp học. Việc biên soạn song hành một bộ SGK cung cấp tài liệu giáo dục để tổ chức dạy học thực nghiệm cần thiết cho việc ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam