Tại hai thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2, các trại nuôi tôm và ốc hương mọc lên san sát. Các trại nuôi này chủ yếu do người dân ở các địa phương khác và ngoài tỉnh đến thuê, mua đất để đầu tư nuôi trồng. Dù nuôi trồng thuỷ sản đã nhiều năm nay, nhưng các trại hầu hết không xây dựng hệ thống chứa, xử lý nước thải. Cứ thế mỗi ngày nước thải chảy tràn ra ngoài khu vực đất canh tác của người dân. Một số trại nuôi tuy có xây ao chứa, nhưng không có hệ thống xử lý nước thải, đáy ao không tráng bê tông, do đó theo thời gian nước thải thẩm thấu, gây nhiễm mặn nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Đất nhiễm mặn, cây hành không phát triển, người dân phải nhổ bỏ.
Theo người dân xã Nhơn Hải, thời gian này là vụ chính trồng hành, tỏi. Lẽ ra vào thời điểm này diện tích đất nông nghiệp nơi đây đã phủ một màu xanh, nhưng hiện tại một diện tích đất canh tác lớn phải bỏ hoang, ước khoảng 50 ha bị nhiễm mặn, trong đó 25 ha bị nhiễm mặn rất nặng. Ông Nguyễn Hữu Trí, ở thôn Mỹ Tường 2, bức xúc: Mấy năm về trước, đất canh tác nơi đây rất tốt, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào đất này để trồng hành, tỏi cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên hiện nay nhiều diện tích đất đang bị nhiễm mặn, cây trồng không phát triển được nên đành phải bỏ hoang. Nước từ các giếng dùng để tưới mặn như nước biển nên càng tưới, cây trồng càng nhanh chết, không thể sản xuất được.
Tiếc đất, một số hộ sử dụng nước máy sinh hoạt để tưới rửa mặn, nhưng chi phí đội lên quá cao, không hiệu quả nên chỉ được một thời gian ngắn đành phải bỏ. Một số diện tích còn lại người dân đã lên luống, đánh hàng, nhưng đành phải ngưng chờ trời mưa, hy vọng độ mặn giảm mới xuống giống.
Ông Phạm Khắc Hào, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Nhơn Hải có quy hoạch vùng nuôi thủy sản, với diện tích khoảng 100 ha. Tuy nhiên do thấy có giá trị kinh tế, nhiều hộ dân đã thuê đất, tự ý mở rộng diện tích nuôi ốc hương. Việc nuôi ốc hương là tự phát, với diện tích khoảng 50 ha. Chính nguồn nước nuôi thải ra đã làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó gây nhiễm mặn 50 ha diện tích đất sản xuất của người dân. Việc này đã kéo dài gần 2 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa thấy các doanh nghiệp nuôi trồng xây dựng hệ thống xử lý, khắc phục thiệt hại cho người dân. UBND xã đã kiến nghị với UBND huyện cần sớm có biện pháp xử lý để tháo gỡ khó khăn cho người dân địa phương. UBND huyện cũng đã thành lập đoàn tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ nhiễm mặn để có hướng xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể.
Xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải có đến 80% người dân sống bằng nghề nông, trong đó hành, tỏi được coi là cây trồng “đặc sản” đóng vai trò chủ lực cho hiệu quả kinh tế và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hộ. Tuy nhiên, Nhơn Hải cũng được đánh giá là vùng có nhiều điều kiện nuôi trồng giống thuỷ sản có chất lượng tốt. Làm thế nào để phát huy thế mạnh phát triển kinh tế đảm bảo tính hài hòa, bảo vệ môi trường bền vững là bài toán nan giải cần đặt ra hiện nay đối với chính quyền địa phương.
Anh Tuấn