Sau 8 tháng phát động, vượt qua 3 vòng chung kết cấp khu vực, 9 đội tuyển góp mặt cho vòng chung kết toàn quốc là những đội mạnh nhất với nhiều sản phẩm công nghệ hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống dựa trên lĩnh vực thiết kế với vi điều khiển, hệ thống nhúng và các ngành liên quan.
Đội PIF.DHA đến từ ĐH Bách khoa TPHCM giành giải nhất với sản phẩm “Robot
điều khiển từ xa dựa trên cử chỉ con người”. Ảnh: VGP/Mai Vy
Mỗi đội từ 1-3 thành viên, tự thiết kế phần cứng cũng như phần mềm riêng chạy trên phần cứng này để thực hiện một ứng dụng nhất định. Đề tài nghiên cứu thiết kế bắt buộc phải sử dụng bộ xử lý chính là MSP430 hoặc Tiva ARM Cortex-M4F của Công ty TI.
Nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao như sản phẩm máy CNC mini (nhóm NXH-ĐH Bách khoa Đà Nẵng), thiết bị bay cứu hộ Quad-Copter (nhóm Passion-ĐH Bách khoa Đà Nẵng), chế tạo robot sâu chi phí thấp (nhóm T-BOT-ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM)…
Các tiêu chí đánh giá đề tài xét trên nhiều mặt như mức độ hoàn thiện, tính ứng dụng thực tiễn, mức độ ứng dụng các thiết bị tương tự của TI, kỹ năng thuyết trình cả tiếng Anh và tiếng Việt, phương pháp minh họa và mô phỏng hệ thống được thiết kế.
Chung cuộc, giải nhất thuộc về sản phẩm “Robot điều khiển từ xa dựa trên cử chỉ con người” của đội PIF.DHA đến từ ĐH Bách khoa TPHCM với phần thưởng 2.000 USD.
Giải nhì thuộc về đội PIV-VK đến từ ĐH Bách khoa Đà Nẵng với sản phẩm “Gương thông minh”. Giải ba thuộc về “Thiết kế nhà thông minh” của đội EDA-PRO đến từ ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Ngoài ra, còn có 2 giải phụ là giải triển vọng và giải thuyết trình hay nhất.
Cuộc thi là sân chơi bổ ích cho sinh viên công nghệ, góp phần nâng cao kĩ năng ứng dụng thực tiễn các kiến thức đã học cũng như thêm cơ hội trao đổi, giao lưu, học hỏi với các sinh viên và giảng viên đầu ngành.
Nguồn www.chinhphu.vn