Cần có cơ chế ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

(NTO) Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, khoa học và công nghệ (KH-CN) trở thành nhân tố quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Để duy trì sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 15-6-2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1323/QĐ-UBND phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) về KH-CN giai đoạn 2011-2015”. Sau 3 năm triển khai đã góp phần tiếp sức cho các DN trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất.

Tại Hội thảo Thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương diễn ra vào tháng 8 vừa qua, đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Xác định nhu cầu đổi mới công nghệ của các DN trong tình hình mới, thời gian qua, đơn vị đã tích cực hỗ trợ tư vấn, xúc tiến giúp các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung công nghệ phù hợp, lựa chọn đối tác hợp tác để đưa công nghệ ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận kiểm tra chất lượng sản phẩm gạch không nung.
Ảnh: Thanh Long

Các DN trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đầu tư, mở rộng, đổi mới thiết bị, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới mang lại hiệu quả như: Chuyển giao công nghệ tiên tiến sản xuất gạch của Nga ở Nhà máy gạch tuynen Du Long; đầu tư lò hơi trung áp của Ấn Độ sử dụng nhiên liệu bả mía để phát điện của Công ty CP Mía đường Phan Rang; áp dụng công nghệ sản xuất muối kết tinh dài ngày, phủ bạt che mưa từ Viện muối Thiên Tân (Trung Quốc) tại Xí nghiệp muối Tri Hải…

Tuy vậy trên thực tế, số lượng DN quan tâm đầu tư đổi mới thiết bị, chuyển giao công nghệ chưa nhiều. Nguyên nhân do doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin về các công nghệ tiên tiến thích hợp. Thị trường công nghệ nước ta hiện nay chưa thực sự phát triển để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Một số nghiên cứu khoa học chưa gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất; nhiều kết quả nghiên cứu được đánh giá, nghiệm thu nhưng ít được triển khai áp dụng vào sản xuất ở các DN. Vì thế một số mặt hàng được xem là lợi thế của tỉnh ta thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử như cùng một loại rong, trong khoảng thời gian nuôi trồng như nhau, sản lượng thu hoạch tương đương, nhưng chất lượng rong sụn của Công ty CP Rau câu Sơn Hải lại thấp hơn so với các nước trong khu vực. Không dừng lại đó, sản phẩm yến sào của tỉnh ta cũng có giá thấp. Ông Nguyễn Duy Sơn, Phó Giám đốc Công ty Yến sào Ninh Thuận cho rằng, hạn chế trên là do công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch của DN chưa tiên tiến. Để tạo được sản phẩm chất lượng, mang lại giá trị cao hơn, theo ông Sơn là các bộ, ngành cần tiếp tục tạo điều kiện cho DN xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp chứng chỉ ISO để dễ dàng đưa sản phẩm vào những thị trường khó tính ở châu Âu, nhằm tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời, hỗ trợ quy trình, công nghệ chế biến sau thu hoạch, thực hiện liên kết về sản phẩm để tạo ra thế mạnh cho sản phẩm của địa phương.

Đề cập đến vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp vươn lên phát triển, đồng chí Lê Kim Hùng cho biết thêm: Các cơ chế ưu đãi hiện hành vẫn còn ít và chưa thiết thực, chưa khuyến kích được doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN. Bộ KH&CN cần xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi nhiều hơn về thuế, tiếp cận nguồn vốn để DN mạnh dạn đầu tư đổi mới, chuyển giao công nghệ. Riêng hoạt động hỗ trợ DN ở tỉnh ta từ nay đến năm 2015, tập trung khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, thay thế dần các thiết bị lạc hậu. Tỉnh đã có chính sách ưu đãi để các ngành chế biến khoáng sản, nông, lâm, thủy sản ứng dựng công nghệ tiên tiến, chuyển từ sản phẩm thô sang chế biến, xuất khẩu sản phẩm tinh; sản xuất thay thế hàng nhập khẩu ứng dụng công nghệ cao đối với những ngành có lợi thế như điện gió, điện mặt trời và các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp năng lượng của tỉnh. Sở KH&CN sẽ cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ về hoạt động chuyển giao, tiếp nhận công nghệ mới, hướng dẫn hình thành từ 3 đến 5 DN về KH&CN; thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.