Với yếu tố đặc trưng về hình học thủy vực và điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái của nó; đã từ rất lâu Vịnh Phan Rang đã có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của Ninh Thuận.
Vịnh Phan Rang nhìn từ vệ tinh-Nguồn: Google Map
Vịnh Phan Rang là một vịnh trong 13 Vịnh có diện tích lớn và có độ sâu rất lớn của Việt Nam với diện tích đạt 133,9 ha, chiều dài khoảng 20 km, chiều rộng khoảng 9 km và độ sâu trung bình là 28m, trong đó, nơi sâu nhất đạt đến 50m. Xét về đặc trưng hình thái học – động lực, Vịnh Phan Rang thuộc loại Vịnh rất hở, độ lớn của thủy triều ở mức trung bình (độ lớn từ 2 – 3m) và có cấu tạo thạch học của bờ là đá gốc. Vịnh Phan Rang chịu tác động về môi trường địa chất từ hệ thống Sông Dinh ở phía nam Vịnh, từ đó, tạo ra kiểu bờ đồng bằng tích tụ aluvi điển hình. Với độ sâu và diện tích lớn, Vịnh Phan Rang rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển.
Về khí hậu, thời tiết, nằm trong vùng khí hậu đặc trưng của khu vực Nam Trung bộ, Vịnh Phan Rang có kiểu khí hậu điển hình khô hạn, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc vào mùa đông nhưng chịu ảnh hưởng chủ yếu của gió mùa Tây Nam vào mùa hè. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27oC, từ tháng 5 đến tháng 9 nhiệt độ trung bình cao hơn đáng kể, có khi lên đến 40oC. Lượng mây tổng quan trung bình hàng năm không cao chỉ nằm trong khoảng (5,5 – 6)/10 bầu trời, số giờ nắng đạt khoảng 2860,9 giờ/năm. Lượng mưa và ngày mưa hàng năm thấp, độ ẩm tương đối trung bình hàng năm đạt 76-85%/năm, đặc biệt, hiện tượng sương mù và mưa phùn gần như không xuất hiện. Tốc độ gió trung bình hàng năm có độ dao động lớn giữa mùa Hè và mùa Đông (từ 1,5 m/s đến 3,2 m/s), gió Tây khô chủ yếu xuất hiện từ tháng 5 – 7, tuy nhiên không cực đoan như vùng Bắc Trung bộ. Thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ (vùng chịu nhiều cơn bão nhất cả nước) nhưng Vịnh Phan Rang lại là nơi chịu bị các cơn bão tấn công nhất, mùa bão chủ yếu vào tháng 10 – 12 hàng năm. Có thể nói, với những hiện tượng thời tiết đặc biệt của Vịnh Phan Rang, nhiệt độ khô, nóng, ít gió cùng với lượng mây tổng quan hàng năm không cao làm cho Vịnh Phan Rang có nét đặc trưng về nắng đẹp, cảnh quanh trong xanh, thoáng đãng, thuận lợi cho các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch hầu như quanh năm.
Về thủy văn, theo đặc trưng của địa lý thủy văn lục địa, Vịnh Phan Rang chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn vùng khô hạn, chế độ triều nhỏ (độ lớn triều dưới 2m), về tính chất của triều, thuộc chế độ bán nhật triều không đều (tức là trong một ngày thủy triều có hai lần lên xuống, tuy nhiên đỉnh và chân triều trong hai lần liên tiếp có sự chênh lệch nhau). Chế độ thủy văn của Vịnh Phan Rang ảnh hưởng rất lớn cấu trúc đường bờ cũng như hệ sinh thái vùng Vịnh, đóng vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng một cách trực tiếp tới nhiều hoạt động kinh tế kỹ thuật của con người.
Về đa dạng sinh học, do đặc điểm cấu trúc của một Vịnh hở, cấu tạo thạch học đá gốc và sự ảnh hưởng môi trường nước của sông không đáng kể nên hệ sinh thái chủ yếu của Vịnh là hệ sinh thái rạn san hô, tập trung ở phía Bắc và phía nam của Vịnh (khu vực xã Tri Hải – huyện Ninh Hải, phường Đông Hải – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), cùng với hệ sinh thái rạn san hô là sự cư trú của các loài cá rạn san hô, các loài giáp xác và đặc biệt là nơi cư trú của loài Tôm Hùm rất có giá trị. Đây cũng là nét đặc trưng của Vịnh Phan Rang, cần phải xem xét trong việc hoạch định chính sách của địa phương.
Có thể nói, nhờ vào cảnh quan, vị thế, các tiện nghi môi trường và các chính sách, quy hoạch của các cấp chính quyền ở địa phương mà Vịnh Phan Rang đang chứa đựng nhiều tiềm năng và cơ hội rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong đó, các tiềm năng và cơ hội lớn nhất có thể kể đến là phát triển cảng, du lịch, nuôi trồng thủy sản.
- Về phát triển cảng: do đặc điểm Vịnh nước sâu, có cửa sông lớn, Vịnh Phan Rang rất thuận tiện để đầu tư xây dựng cảng biển. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, Vịnh Phan Rang được quy hoạch xây dựng và đầu tư nâng cấp 02 cảng, đó là đầu tư nâng cấp cảng cá Đông Hải và đầu tư xây dựng cảng hàng hóa Ninh Chử, có khả năng tiếp nhận được tàu có trọng tải 10.000 tấn đồng thời phát triển cảnh du lịch có thể tiếp nhận tàu du lịch từ 500 – 1000 khách.
- Về phát triển du lịch: đặc điểm về khí hậu, thời tiết và điều kiện môi trường và các cơ sở du lịch hiện có cũng như các định hướng phát triển du lịch của tỉnh nhà, tạo điều kiện cho Vịnh Phan Rang tiềm năng và cơ hội lớn về phát triển du lịch, các loại hình du lịch có tiềm năng và cơ hội lớn là du lịch nghĩ dưỡng, du lịch thuyền buồm, lặn biển ngắm san hô, các dịch vụ đua thuyền buồm, lướt ván, mô tô nước, dù bay…v.v. Đồng thời, kết nối không gian du lịch biển của Vịnh với các không gian du lịch lân cận với các sản phẩm du lịch: du lịch đô thị, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nông nghiệp ...v.v.
- Về nuôi trồng thủy sản: tiềm năng nuôi hải sản lồng, bè trong Vịnh cũng cũng là một tiềm năng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị như Tôm Hùm, Cá Mú...theo quy hoạch ngành thủy sản, khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển nằm ở phía Bắc và phía Nam của Vịnh Phan Rang. Tuy nhiên, để tránh xung đột trong việc sử dụng không gian biển, việc đầu từ các giải pháp kỹ thuật nuôi tiên tiến (đầu tư lồng kiên cố, sử dụng lồng chìm...) sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho việc nuôi trồng thủy sản trong vùng Vịnh Phan Rang.
Ngoài các tiềm năng trên, Vịnh Phan Rang còn được xem là khu vực tạo khả năng phòng thủ thuận lợi cho địa phương, phục vụ đắc lực cho việc bảo vệ quốc phòng của tỉnh nhà.
Với vị trí địa lý là trung tâm của tỉnh Ninh Thuận, là ngã ba liên kết vùng giữa các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa, nằm gần sân bay Cam Ranh, nhà Ga xe lửa Tháp Chàm, gần đường Quốc lộ 1A và nằm trong trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), đã tạo cho Vịnh Phan Rang có một tài nguyên vị thế tuyệt vời về địa kinh tế và địa chính trị để các cấp chính quyền, các nhà đầu tư quan tâm đầu tư phát triển. Tiềm năng của Vịnh Phan Rang ngày càng được khai thác hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho các cộng đồng dân cư ven biển nơi đây, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói riêng và của vùng duyên hải Nam Trung bộ nói chung.
Tuy nhiên, để các điều kiện tự nhiên – môi trường của Vịnh Phan Rang ngày càng phát huy hiệu quả và có giá trị sử dụng bền vững; tránh triệt để các trạng thái tiêu cực của quá trình phát triển gây ra: khai thác kiệt quệ tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và mâu thuẫn, xung đột lợi ích của các bên liên quan; việc xây dựng chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường Vịnh Phan Rang là một vần đề cấp bách mà các cấp chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn của tỉnh cần quan tâm thực hiện.
Đỗ Phước Vinh