Rất nhiều ý kiến trong đoàn Famtrip, cho rằng, Ninh Thuận có nhiều lợi thế để phát triển DL; song ngành DL tỉnh nhà chưa phát triển mạnh mẽ vì một số lý do sau: Sản phẩm DL chưa khai thác hết thế mạnh của địa phương; Hệ thống dịch vụ DL còn mỏng; Quảng bá xúc tiến còn yếu; Chính sách hỗ trợ còn thiếu… Bà Phạm Mai Phương, Phòng Outbound&Nội địa, Công ty Cổ phần Lữ hành quốc tế Kim Liên (Hà Nội) cho biết: Sản phẩm DL thu hút thì cần hội tụ các yếu tố: phong cảnh đẹp, nét đẹp văn hóa dân gian lâu đời của người dân, dịch vụ vui chơi độc đáo, ẩm thực… Các yếu tố trên, DL Ninh Thuận đều đáp ứng được, tuy nhiên, bản thân di tích hay cảnh quan đẹp không thể giữ chân du khách mà cần có tác động từ những sáng tạo của những người làm DL; cần tạo ra nhiều dịch vụ “lạ”, “độc” để thu hút và níu chân du khách, song song với đó là công tác quảng bá, xúc tiến mạnh trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Rất tiếc, DL Ninh Thuận chưa làm được!
Tuyến đường ven biển-một điểm du lịch dã ngoại mới.
Đồng quan điểm, bà Lưu Quỳnh Chi, Trưởng phòng Marketing & Communicatition Dept, Viettravel-TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: Có thể cảm nhận được là khách DL ít khi lo chuyện tiền nong. Vấn đề là làm sao để họ vui vẻ móc hầu bao và cảm thấy thoải mái, ấn tượng đẹp nơi họ đến. Vì vậy, ngoài tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến, DL Ninh Thuận cần phải có những ý tưởng tạo ra nhiều dịch vụ DL để thỏa mãn nhu cầu của khách tham quan, để tăng nguồn thu và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân. Bà Chi gợi ý, tham quan các bãi biển Ninh Thuận, tôi bắt gặp các ngư dân kéo lưới đánh bắt cá, đây là điểm độc đáo duy nhất ở dọc các bãi biển miền Trung. Tại sao ngành du lịch Ninh Thuận không nắm bắt cơ hội này tổ chức loại hình DL trải nghiệm, cho du khách tham gia cùng với ngư dân? Hay tham quan trang trại nho Ba Mọi, sao không cho du khách được trải nghiệm tự mình tham gia vào các quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến các sản phẩm nho?…Đây là những mô hình DL trải nghiệm đáng “hót” khách, nếu phát huy tốt sẽ thu hút du khách và níu kéo du khách lưu trú Ninh Thuận dài hơn.
Còn ông Nguyễn Đức Anh, Phụ trách phát triển thị trường khách VietNamtuorism gợi ý, hiện nay các hãng hàng không, đường sắt, đường bộ (mảng khai thác DL), các công ty lữ hành DL lớn đều chưa có điểm dừng chân ở Ninh Thuận, hoặc điểm dừng chân quá xa… nên gây khó khăn khăn trong việc đưa du khách đến tỉnh. Vì vậy, Ninh Thuận cần tham khảo một số tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định…tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ kích cầu DL của Nhà nước để hỗ trợ vé cho du khách từ sân bay, ga tàu, điểm dừng chân gần nhất đến với Ninh Thuận; sử dụng “quyền lực mềm” để các loại hình trên có mặt tại Ninh Thuận. Nếu được vậy, các DN DL sẽ đưa khách về Ninh Thuận nhiều hơn.
Qua các ý kiến đóng góp, có thể thấy để DL Ninh Thuận bứt phá, tỉnh cần đầu tư về chính sách và kinh phí để tạo ra hệ thống điểm đến mới. Gắn kết các lợi thế của tỉnh để tổ chức các tour DL hấp dẫn, đưa ra được bộ sản phẩm DL đặc thù của địa phương. Mở rộng liên kết với DL với khu vực, vùng có ngành DL phát triển. Cần đầu tư thỏa đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá DL, trước mắt là để thu hút khách nội địa. Đầu tư thêm các sản phẩm, dịch vụ ban đêm ở các tuyến đường ven biển, bằng các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh để du khách có thể tham gia. Tổ chức nhiều chương trình Presstrip, Famtrip để các DN ở các thị trường DL trọng điểm trong nước cùng quảng bá, cùng xúc tiến, cùng bán tour về Ninh Thuận. “Muốn tạo ra được nhiều dịch vụ DL hấp dẫn chắc chắn phải có sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà làm DL và nhà dân. Trong đó Nhà nước đóng vai trò tạo ra cơ sở hạ tầng và quản lý, còn phần chính là do các nhà làm DL và người dân sáng kiến các sản phẩm DL độc đáo. Và đây cũng là hai thành phần trực tiếp tạo ra các dịch vụ thu hút du khách” - ông Trần Lê Bảo Châu, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Du lịch vừa và nhỏ Việt Nam nói.
Xuân Bính