“Theo đuổi sự ưu tú”
Để hoàn thành mục tiêu đào tạo của trường chuyên là “phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu”, thiết nghĩ, trước hết, mỗi cán bộ, giáo viên trường chuyên phải có chung một khát vọng, khát vọng “theo đuổi sự ưu tú”. Bởi chính động lực tự bên trong ấy mới thực sự là nguồn khích lệ lớn nhất để cán bộ, giáo viên trường chuyên “cháy” hết mình cho mục tiêu. “Theo đuổi sự ưu tú” là khát vọng không muốn chỉ dừng lại ở giáo dục “đại trà”, cán bộ và giáo viên trường chuyên phải hướng tới mục tiêu giáo dục “mũi nhọn”, bồi dưỡng nhân tài, gặt hái thành tích đỉnh cao.
Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chăm lo giảng dạy học sinh.
Ảnh: Sơn Ngọc
Khát vọng “theo đuổi sự ưu tú” sẽ chi phối việc xây dựng chương trình, tổ chức dạy học môn chuyên, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu. Đồng thời, chỉ khi giáo viên có khát vọng “theo đuổi sự ưu tú” mới có thể truyền ngọn lửa đam mê, khát vọng, khẳng định bản thân cho học sinh trên con đường học tâp, nghiên cứu khoa học. Khát vọng “theo đuổi sự ưu tú” còn giúp giáo viên và học sinh sát cánh bên nhau, vượt qua mọi khó khăn, cùng chinh phục những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại.
Tự học - con đường tất yếu của thành công
Điều tôi muốn đề cập là trong khi lãnh đạo nhà trường đã xây dựng và triển khai các biện pháp như: Tăng cường giáo dục nhận thức về trách nhiệm của cán bộ và giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ sứ mạng đối với trường chuyên; giáo viên có kinh nghiệm được phân công giúp đỡ giáo viên mới về trường, giáo viên chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy môn chuyên; giáo viên ý thức tự giác dự giờ để học tập kinh nghiệm dạy học; thực hiện đổi mới nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, hướng tới tập trung trao đổi thảo luận về nội dung giảng dạy, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những vướng mắc trong giảng dạy; tiếp tục đào tạo trên chuẩn và tập huấn Tiếng Anh; tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường; tổ chức cho giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng hè do sở, bộ tổ chức; lập kế hoạch đánh giá năng lực và tinh thần trách nhiệm của giáo viên, đáp ứng nhu cầu trường chuyên… Nhưng tự mỗi cá nhân không vận động, đầu tư suy nghĩ, tự rút kinh nghiệm cho mình qua mỗi tiết dự giờ của giáo viên có kinh nghiệm, qua nội dung của các buổi sinh hoạt tổ, không chịu khó trao đổi, học tập giáo viên trường chuyên của các trường có bề dày thành tích, không nghiên cứu đối tượng học sinh của mình để có phương pháp dạy học phù hợp thì chúng ta cũng khó chạm tay đến thành công.
Mỗi bộ môn có một đặc thù riêng, một “bí ẩn” riêng. Mỗi giáo viên có một sở thích, một sở trường riêng. Mỗi thế hệ học sinh, mỗi học sinh có tâm lực, trí lực không giống nhau. Cho nên, giáo viên phải nghiên cứu trên chính đối tượng của mình, tìm ra phương pháp dạy học phù hợp, tích lũy kinh nghiệm qua các năm, để cá nhân ngày càng trưởng thành hơn về chuyên môn, nghiệp vụ, về kinh nghiệm và năng lực giảng dạy lớp chuyên. Theo tôi, tự học, tự vận động vẫn là con đường tất yếu và là con đường nhanh nhất để giáo viên nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của trường chuyên.
Không phải việc của một người
Thường thì khi có công việc, người quản lý sẽ tìm người phù hợp để giao. Theo tôi, “giao” nhưng không được “phó”. Nghĩa là giao việc xong thì phó mặc cho họ, muốn làm gì thì làm.
Tâm lý ngại việc, cảm thấy khó, lười suy nghĩ thường xuất hiện ở người vừa được giao việc. Cho nên, đầu tiên người quản lý phải giúp giáo viên của mình vượt qua được rào cản tâm lý đó. Nói với họ rằng họ là người được “chọn mặt gửi vàng” và sẵn sàng chia sẻ, trao đổi, bàn bạc với họ về công việc đó. Đồng thời dùng biện pháp nêu gương, tạo áp lực thi đua, khuyến khích ý thức khẳng định “cái tôi”, để giáo viên đầu tư tâm trí và hoàn thành tốt nhất công việc được giao. Thường xuyên giám sát tiến độ thực hiện công việc của giáo viên được phân công, kịp thời hoặc khích lệ, hoặc uốn nắn, hoặc hỗ trợ nhân lực, vật chất để giáo viên hoàn thành tốt nhất công việc được giao. Ghi nhận bằng hình thức khen thưởng, cắt giảm các công việc khác cho giáo viên được phân công trong và sau khi họ hoàn thành tốt nhất công việc được giao.
Theo đó, các hoạt động nâng cao chất lượng trường chuyên, chất lượng giảng dạy lớp chuyên nói chung, hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường chuyên nói riêng, không phải là việc của một người. Đừng để giáo viên đơn độc trong mỗi hành trình, các nhà quản lý nên đồng hành cùng họ, nếu chúng ta muốn thu về thành tựu.
Tóm lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu trường chuyên không phải là việc chúng ta lần đầu nghĩ đến, bàn đến. Có lẽ, vấn đề nằm ở chỗ những gì được thông tin, chúng ta đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm, cái gì chúng ta đã làm được và cái gì còn bỏ ngỏ? Sự thực, cho đến nay, đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên trường chuyên “ngang tầm” vẫn luôn là một vấn đề nóng ở một trường chuyên mới thành lập như tỉnh ta. Theo tôi, “theo đuổi sự ưu tú”, tự học, tự vận động bên cạnh các giải pháp thúc đẩy của các cấp quản lý vẫn là con đường nên lựa chọn của cán bộ, giáo viên trường chuyên.
Trần Thị Phúc Hòa