Có những khoản được cho là “tự nguyện” thông qua sự “thống nhất” của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng thực chất là “ấn định” bằng số tiền cụ thể để mỗi phụ huynh thực hiện “nghĩa vụ” xã hội hóa với nhà trường!. Cho nên ở một số trường xảy ra chuyện thật như đùa là phụ huynh lại… sợ đại diện phụ huynh!. Tuy vậy, đây chưa phải là nỗi lo quá lớn vì dù gì cũng là lo cho “con em chúng ta”, còn chuyện thực sự lo lại là vấn đề “tầm sư” cho con “học thêm”. Một số phụ huynh chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng: - Nếu không cho con học thêm ngay từ đầu năm học thì coi chừng là không theo kịp chương trình. Vậy thì học ai?. Câu trả lời chúng tôi nhận được là… chuyện tế nhị.
Giáo viên, học sinh Trường TH Chất Thường bước vào năm học mới 2014- 2015.
Ảnh: Sơn Ngọc
Thực ra cũng không quá khó để xác định. Học sinh THPT thường thì học thêm ở chính giáo viên dạy trực tiếp (chủ yếu các môn tự nhiên và ngoại ngữ hoặc thêm môn văn) để gọi là… “tìm sự cảm thông” khi thi hoặc kiểm tra, đồng thời học thêm một giáo viên dạy giỏi khác để bổ sung, “tích lũy” kiến thức dành cho kỳ thi lớn hơn đó là thi đại học sau này. Đối với học sinh tiểu học hay THCS cũng vẫn phải học thêm để “chuẩn” kiến thức nếu không ngoại trừ phải thật sự giỏi thì coi như cũng khó theo kịp bạn học thêm vì nhiều lẽ.
Điều đáng quan tâm đó là học sinh đi học ở trường và cả học thêm …nhà thầy nên dẫn đến tình trạng “quá tải” cả về kiến thức- do bị nhồi nhét quá nhiều- nên tất yếu là khó có thể “tiêu” hết được, đồng thời do không có nhiều thời giờ nghỉ ngơi nên học sinh dễ bị “stress”, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Đó là chưa nói đến việc “học lệch”, nhất là học sinh THPT chỉ tập trung một số môn chính dẫn đến kiến thức phổ thông là lẽ ra phải toàn diện như chương trình được Bộ Giáo dục thiết kế thì ngược lại. Qua tìm hiểu của chúng tôi có một thực tế là học sinh trường huyện ít học thêm hơn ở thành phố. Có chăng cũng chỉ một số ít, phần nhiều là nhà trường tự tổ chức phụ đạo cho các em. Điều cũng đáng để suy ngẫm là hầu như các thủ khoa thi đại học đều là học sinh nghèo ở nông thôn vừa làm phụ giúp gia đình vừa tự học…ít có học sinh thành phố đạt danh hiệu này, chí ít là vài năm gần đây.
Thực ra, có nhu cầu học thì có nhu cầu dạy và có thể ngược lại. Học thêm cũng như dạy thêm đều đã được xã hội thừa nhận, được ngành giáo dục quy định hẳn hoi… nhưng điều chúng tôi muốn đặt ra ở đây là học như thế nào để vừa bổ trợ thêm kiến thức cho học sinh ngoài kiến thức trên lớp nhưng đồng thời bảo đảm đủ thời giờ nghỉ ngơi để “tái tạo” sức khỏe cho các em. Việc “dạy” thiết nghĩ cũng rất cần đến trách nhiệm và lương tâm của người thầy bằng hành động thực tế chứ không chỉ là khẩu hiệu. “Đừng vắt kiệt sức của con em bởi việc học”, đây là “thông điệp” gởi đến các bậc phụ huynh trong việc định hướng và quyết định vì lực học và sức khỏe của con em mình.
Tuấn Dũng