Tuy lao động Việt Nam có lợi thế trẻ, nằm trong cơ cấu dân số vàng (tỷ lệ lao động 18 – 45 chiếm số lượng lớn) nhưng Việt Nam dễ bị rơi vào bẩy thu nhập trung bình. Nếu lao động Việt Nam không sớm khắc phục tình trạng năng suất kém, thì rất khó để cạnh tranh trong sân chơi khu vực và nguy hiểm hơn đánh mất thị trường và cơ hội làm việc ngay tại quê nhà.
Đồng bào Chăm phổ cập tin học tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.
Ảnh: Sơn Ngọc
Nước ta, mặc dù với tỷ lệ hơn 90% dân số biết chữ, nhưng chất lượng nguồn lao động của chúng ta còn một khoảng cách khá xa so với tiêu chuẩn chung của thế giới, nhất là so với các nước trong khu vực. Chất lượng nguồn nhân lực thấp là nguyên nhân chủ yếu làm giảm khả năng cạnh tranh của nước ta trên nhiều lĩnh vực, dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm công nghiệp và dịch vụ không cao, và hệ quả là làm hạn chế tốc độ phát triển đất nước. Chất lượng nguồn nhân lực chúng ta cho thấy Việt Nam thừa lao động phổ thông, nhưng thiếu nghiêm trọng lao động đã qua đào tạo, nhất là công nhân kỹ thuật bậc cao. Đây là thách thức lớn nhất khi chúng ta gia nhập WTO và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ những phân tích trên cho thấy vai trò của giáo dục, đào tạo và việc học tập cho tất cả mọi người có vị trí hết sức quan trọng.
Tại Hội nghị toàn cầu về Giáo dục cho mọi người tổ chức vào tháng 3-1990 tại Thái Lan đã xây dựng bản tuyên ngôn thế giới về giáo dục cho mọi người, trong đó nhắc lại: “Giáo dục là một quyền cơ bản của con người, nam cũng như nữ, thuộc mọi lứa tuổi, trên toàn thế giới”. Tuyên ngôn thế giới về giáo dục cho mọi người yêu cầu mỗi người, từ trẻ em đến người lớn đều phải được đáp ứng những nhu cầu học tập cơ bản để biết đọc, biết viết, biết tính toán, từ đó được tiếp tục cung cấp những kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ để phát triển đầy đủ khả năng của mình, để sống và làm việc nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vấn đề học tập luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Ngày 3-9-1945 – chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, đã đề ra 6 công việc cấp bách phải giải quyết, trong đó chống nạn mù chữ được xếp thứ 2 sau chống giặc đói. Sau hơn ba thập kỷ, từ năm 1945 đến năm 1978 vừa chiến đấu, vừa xây dựng, trong hòan cảnh phải khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ chúng ta đã căn bản hoàn thành xóa nạn mù chữ trong cả nước.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Người từng nói: “Sự học là vô cùng”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”; “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Bác Hồ kính yêu của chúng ta là tấm gương sáng ngời về sự học như vậy. Người đã từng tự học, vừa lao động để kiếm sống, biết và sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ mà không qua một con đường đào tạo chính quy nào. Chính từ sự học đó mà Bác đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang.
Tháng 3-2013, Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO 47) được tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng các nước Đông Nam Á lần thứ 47 phát biểu: “Học tập suốt đời là xu thế phát triển tất yếu ở nhiều nước trên thế giới kể cả các nước Châu Á nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng. Học tập suốt đời ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết của mỗi người để có thể sống, làm việc và tồn tại trong thời đại ngày nay. Việc thúc đẩy học tập suốt đời được coi là chính sách quốc gia nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của lực lượng lao động trong xu thế toàn cầu hóa, duy trì và tăng lợi thế cạnh tranh khu vực và toàn cầu…”
Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương "Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho tất cả công dân Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo" nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đưa dân tộc ta tới đỉnh cao của văn hóa, văn minh, hiện đại. Để học tập trong suốt cuộc đời, mỗi người cần phải có quan niệm “mở” cho sự học, nghĩa là học không phải lúc nào cũng là theo lớp, học trong trường mà có thể học mọi lúc, mọi nơi, học mọi người và bằng mọi phương tiện với phương châm “lấy tự học làm cốt” và cần đầu tư thích đáng cho giáo dục, đào tạo, tạo môi trường học tập lành mạnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội học tập và học tập suốt đời.
Dân tộc Việt Nam vốn thông minh và hiếu học. Từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Trên nền truyền thống quý báu đó đã có biết bao những bậc hiền tài làm rạng danh non sông, đất nước. Tinh thần và truyền thống đó tiếp tục nhắc nhở mọi người chúng ta phải ra sức học tập, nâng cao năng suất lao động từ đó làm giàu cho bản thân, gia đình và cho quê hương, đất nước.
Nguyễn Anh Linh
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT