Đã một tháng kể từ ngày tựu trường, nhưng em M.T.P, HS lớp 9, Trường THCS Phước Kháng chưa một ngày đến lớp. Khi chúng tôi đến nhà em ở thôn Cầu Đá, thì được ông Ka-tơ Đối (ba của em M.T.P) cho biết, cháu lên rẫy từ sáng sớm, đến 4 – 5 giờ chiều mới về nhà. Mặc dù những ngày qua, gia đình ông hết lời khuyên nhủ, nhưng em vẫn một mực đòi nghỉ học ở nhà chăn bò với lý do “sợ học cái chữ”. Hễ thấy thầy, cô giáo và cán bộ đến nhà vận động, em lại bỏ chạy đi nơi khác hoặc tìm cách tránh mặt. Em M.T.P nằm trong danh sách 30 HS Trường THCS Phước Kháng nghỉ học từ đầu năm, đang được nhà trường và chính quyền địa phương kiên trì thuyết phục, vận động để đưa các em đến trường.
Học sinh lớp 8, Trường THCS Phước Kháng trong tiết Sinh học.
Tính đến thời điểm này, các trường THCS trên địa bàn huyện Thuận Bắc đã có 1.930 HS/ 2.132 HS đến lớp, đạt tỷ lệ 92 %. Toàn huyện vẫn còn 200 học sinh THCS chưa ra lớp, trong đó có 61 em khối lớp 6. Với hơn 70% HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng HS nghỉ học tập trung chủ yếu ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn, Lợi Hải. Qua tìm hiểu nguyên nhân được biết, các em vốn quen với trường lớp cũ hồi tiểu học, khi chuyển lên cấp trên, một số em chưa kịp thích nghi với môi trường mới, đòi hỏi phải có thời gian vận động, tuyên truyền. Theo kinh nghiệm của những giáo viên nhiều năm làm công tác vận động HS ra lớp, HS ở độ tuổi THCS đứng trước sự lựa chọn giữa đi học và đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, một số em lớn tuổi thường quyết định dừng lại việc học để làm lao động phổ thông. Thông tin từ các địa phương, trong số HS bỏ học, hiện có 12 em nam đi lao động ngoài tỉnh, 17 em nữ đang làm công nhân thời vụ trong các công ty đóng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, những em bỏ học còn rơi vào trường hợp gia đình có khó khăn nên nghỉ ở nhà theo cha mẹ lên rẫy; số em khác học kém lại ham chơi… dẫn đến bỏ học giữa chừng.
Ông Dương Thanh Trí, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuận Bắc cho biết: Nhằm kéo giảm tình trạng HS bỏ học, Phòng đã chỉ đạo các trường THCS trong huyện tập trung các giải pháp vận động HS ra lớp ngay từ đầu năm học mới. Theo đó, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình trong công tác vận động HS ra lớp; nắm chắc danh sách HS bỏ học, rà soát phân loại và xác định rõ địa chỉ, nguyên nhân của từng HS trong diện này; báo cáo với cấp uỷ, chính quyền địa phương về thực trạng HS chưa ra lớp trên địa bàn, kịp thời tham mưu những biện pháp giải quyết cụ thể, căn cứ vào hoàn cảnh, nguyên nhân của từng HS, từng gia đình. Cùng với đó, phân công cán bộ, giáo viên phối hợp với cấp ủy, Ban quản lý thôn, các đoàn thể tại địa phương đến tận nhà các em chưa ra lớp để gặp gỡ phụ huynh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HS và gia đình và tìm cách vận động, thuyết phục; đề xuất giúp đỡ, hỗ trợ cho những em có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Đối với những HS đã vận động ra lớp sau ngày khai giảng, nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi, phân công giáo viên phụ đạo giúp HS theo kịp chương trình, tránh gây áp lực cho các em. Hiện nay, các trường THCS cùng chính quyền các địa phương đang nỗ lực vận động HS ra lớp, phấn đấu đạt trên 95 % số HS ra lớp trong năm học mới.
Trang Nhung