Cà Ná hướng đến phát triển đô thị biển

(NTO) Là xã mới gồm 5 thôn, được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Phước Diêm (cũ), Cà Ná, huyện Thuận Nam có diện tích tự nhiên trên 1.307 ha, với dân số gần 9.600 người, đang tạo ra chuyển biến quan trọng trên con đường đô thị hóa. Do vị trí địa lý giáp biển, có QL 1A, tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua trên địa bàn, Cà Ná có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, nhất là các dịch vụ hậu cần nghề cá. Vì vậy phát triển đô thị biển được coi là định hướng chiến lược của Cà Ná trong tương lai.

Đồng chí Trương Ngọc Luân, Bí thư Đảng ủy xã Cà Ná cho biết: Từ những lợi thế nói trên, xã Cà Ná xác định thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ là lĩnh vực ưu tiên phát triển trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Mục tiêu là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng CNH,HĐH phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội. Như vậy có thể thấy trong những năm tới, thủy sản (đặc biệt là lĩnh vực khai thác hải sản) vẫn đóng vai trò mũi nhọn đối với kinh tế địa phương. Hiện nay, năng lực đánh bắt của toàn xã có 346 tàu thuyền (tổng công suất 50.112 CV), đạt công suất bình quân gần 145 CV/chiếc, đạt yêu cầu có đội tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên qua so sánh lợi thế với năng lực tàu cá rất lớn của xã Phước Diêm láng giềng, Cà Ná đã chủ trương hạ dần tỷ trọng khai thác hải sản và tăng dần tỷ trọng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Thực tế cho thấy sản lượng hải sản khai thác hằng năm (trung bình 12.000 tấn) đã trở thành nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Chỉ tính riêng 9 tháng qua, xã Cà Ná đã có 9.500 tấn hải sản đánh bắt được đưa vào chế biến, phần lớn dùng chế biến nước mắm và chế biến cá hấp khô.

 
Con đường và cầu nối thuộc dự án tuyến đường ven biển đoạn đi qua trên địa bàn Cà Ná đang thi công mở rộng.

Điều đáng chú ý là trong quá trình phát triển, xã Cà Ná đã có dấu hiệu định hình dần kinh tế đô thị biển, thể hiện qua các lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ ở Cà Ná đều gắn liền với nghề cá. Toàn xã hiện có 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, 11 cơ sở xuất khẩu hải sản khô, 40 cơ sở chế biến nước mắm và trên 20 cơ sở cá cơm hấp phơi khô. Riêng lĩnh vực thương mại-dịch vụ có 10 cơ sở kinh doanh xăng dầu; trên 50 xe vận tải; 3 cơ sở đóng, sửa tàu thuyền; 6 nhà máy nước đá; hàng chục xưởng cơ khí, cửa hàng kinh doanh ngư lưới cụ và các dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ cho 2 cảng cá có sức chứa 1.000 tàu thuyền. Theo đó, Cà Ná đã tạo ra sự chuyển dịch dần cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Đến Cà Ná hôm nay, dễ nhận ra bộ mặt xóm thôn đang thay đổi từng ngày, nhà xây khang trang, bề thế mọc lên nhanh, nhất là ở các thôn Lạc Sơn 1, 2 và 3. Cùng với con đường nối QL 1A vào cảng cá Cà Ná đã được nâng cấp, con đường và chiếc cầu nối giữa các thôn Lạc Sơn 1, 2, 3 với thôn Lạc Tân và xã Phước Diêm đang tiếp tục thi công mở rộng (thuộc dự án tuyến đường ven biển sắp hoàn thành) đã góp phần làm cho Cà Ná tăng thêm mối liên kết giao thương với bên ngoài, có thêm điểm nhấn quan trọng trong tiến trình đô thị hóa. Theo Chương trình phát triển đô thị Cà Ná đến năm 2015 và định hướng những năm tiếp theo của UBND huyện Thuận Nam, dọc tuyến đường nói trên sẽ có những khu dân cư mới, đẹp mọc lên với hoạt động thương mại, dịch vụ kèm theo, tạo thêm nét thị tứ cho Cà Ná.

Theo đồng chí Trương Ngọc Luân, để tạo ra sức bật mới của kinh tế theo hướng phát triển đô thị biển, Cà Ná xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại phía đông QL 1A, các khu quy hoạch thương mại tại khu trung tâm phát triển đô thị, chợ trong khu Cảng cá Cà Ná, bố trí sắp xếp lại các dịch vụ ở các cụm dân cư. Mặt khác tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, chế biến thủy sản và mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá. Với mục tiêu xây dựng đạt chuẩn đô thị loại 5 vào năm tới, Cà Ná đang có tiền đề cần thiết để bước vào giai đọan phát triển mới.