Đây là nhận định của ông Trương Thanh Hoài, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) tại Hội thảo "Tham vấn Dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ" diễn ra sáng 25-9, tại Hà Nội.
Để xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ, từ năm 2007, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN nhằm phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.
Đến năm 2011, tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo động lực cho lĩnh vực này.
Mặc dù vậy, theo ý kiến của hầu hết các đại biểu đưa ra tại hội thảo trên, các chính sách đó dường như vẫn chưa “chạm” đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
Còn khá nhiều bất cập
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương), tỷ lệ linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước mới chỉ đạt 27,8%, trong khi đó tại Thái Lan đã đạt 60% còn Trung Quốc cũng đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%.
Trong đó, nhiều lĩnh vực không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, ngành công nghiệp ô tô đặt mục tiêu 2010-2020 nội địa hóa 60% nhưng hiện chỉ đạt 7-8%. Ngành dệt may có kế hoạch nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2013, ngành này vẫn phải nhập khẩu 99% bông, 60% sợi, 70% vải.
Tương tự, ngành cơ khí dự kiến 2020 nội địa hóa 75% nhưng công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản. Ngành điện tử nội địa hóa gần 20% nhưng thực chất chưa có công nghiệp điện tử mà chỉ mới có ngành lắp ráp điện tử.
Theo bà Trương Thị Mỹ Bình, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, thành viên tổ soạn thảo Nghị định Phát triển Công nghiệp hỗ trợ, Quyết định 12/QĐ-TTg chưa quy định rõ danh mục sản phẩm nào được ưu tiên. Theo đó, DN thiếu gì thì đề xuất và chỉ duy nhất một DN (Công ty Kyocera Vietnam) được hưởng ưu đãi khi thực hiện quyết định này.
"Ước tính 500 DN hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ khoảng 200 DN trong nước sản xuất được cho nước ngoài. Nhưng mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xe máy và điện tử, trong khi nhiều ngành khác như dệt may, da giày, cơ khí, ô tô... lại bỏ ngỏ”, bà Bình nói về bức tranh nền công nghiệp hỗ trợ hiện nay.
Đại diện Canon Việt Nam cũng cho biết hiện nay các DN Việt Nam chỉ đang chú trọng đến linh kiện mà chưa quan tâm đến nguyên phụ liệu. “Hiện nay DN Việt Nam có thể chế tạo linh kiện điện tử nhưng chưa có linh kiện bán dẫn và các thiết bị kết nối. Chúng tôi buộc phải nhập từ nước ngoài về từ cán cuộn cho máy in hay linh kiện đai... Bao bì đóng gói sản phẩm đã có DN Việt Nam cung ứng cho Canon, nhưng có phụ liệu Canon vẫn phải nhập khẩu, ví dụ băng dính dùng để đóng gói sản phẩm vì sản phẩm của DN trong nước không đáp ứng được nhu cầu”, đại diện Canon nói.
Hỗ trợ mạnh cho DN vừa và nhỏ
Theo ông Trần Anh Vương, Giám đốc Công ty Công nghệ Bắc Việt, một trong những DN Việt Nam hiếm hoi đang cung cấp linh phụ kiện cho Samsung và Canon, “Bắc Việt đã làm về công nghiệp hỗ trợ 4-5 năm rồi nhưng chưa được hỗ trợ gì từ các chính sách. Hiện nay chúng tôi đang phải vật lộn với mức lãi suất tới 24%. Đây là khó khăn của DN nhỏ và vừa như chúng tôi khi tham gia chuỗi cung ứng này”.
Ông Trương Thanh Hoài cũng nhận định DN Việt Nam hiện nay chủ yếu là vừa và nhỏ. Do vậy, mục tiêu của Nghị định là hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp này và đề xuất cho DN vay với lãi suất thấp, hưởng ưu đãi nhiều hơn.
"Các sản phẩm danh mục công nghiệp hỗ trợ rất đa dạng, riêng ô tô có tới 24.000 linh kiện nên rất khó để liệt kê hết và biến đổi liên tục. Vì vậy Bộ Công Thương sẽ linh hoạt trong việc xét duyệt ưu đãi. Bộ cũng sẽ bổ sung thêm các ngành công nghiệp cơ bản như đúc, rèn, xử lý nhiệt... vào danh mục công nghiệp hỗ trợ”, ông Hoài nói.
Ngoài ra, ông Hoài cho rằng, riêng ngành Dệt may cần công nghiệp hỗ trợ lớn nhưng chu kỳ quay ngắn. Vì vậy không nên tập trung vào đòn bẩy tài chính mà cần có nhiều biện pháp hỗ trợ phi tài chính như chuyển giao công nghệ, phí môi trường...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng mặc dù nhiều năm qua Chính phủ đã có định hướng về ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng việc hỗ trợ như thế nào thì cần sự tham vấn của DN và các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo ra sự lan tỏa chung.
"Nghị định được ban hành sẽ thúc đẩy DN phát triển, nhưng chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh về chất lượng, về giá cả theo các cam kết quốc tế," ông Hưng nhấn mạnh.
Nhằm đảm bảo cho việc phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết sẽ dành nguồn vốn 30.000 tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực này. Trong đó vốn điều lệ của Quỹ do Ngân sách Nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng, 2 năm đầu tiên mỗi năm cấp 500 tỷ đồng, năm thứ 3 cấp 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, Nghị định về phát triển Công nghiệp hỗ trợ dự kiến sẽ trình Chính phủ và ban hành vào cuối năm nay, tập trung vào các biện pháp nhằm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng…
Đồng thời, Nghị định sẽ bổ sung một số ưu đãi về thuế thu nhập DN cũng như các quy định về đầu tư xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn www.chinhphu.vn