Theo đánh giá của UBND huyện Ninh Sơn, trong 9 tháng năm qua, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt trên 692 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành: Nông – lâm – thủy sản tăng 8,3%; công nghiệp – xây dựng tăng 20,6%; thương mại – dịch vụ tăng 10,2%. Đặc biệt, thu ngân sách được trên 205 tỷ đồng, đạt 122,66% dự toán năm.
Công nhân Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú vào ca sản xuất.
Ảnh: Văn Miên
Đồng chí Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung nền kinh tế của huyện trong 9 tháng qua, trước hết phải kể đến lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất là kết quả quy hoạch, bố trí, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với từng loại đất để vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa tiết kiệm nước. Cùng với đó địa phương còn phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai các mô hình sản xuất mới cho nông dân như: Mô hình "1 phải 5 giảm" trên cây lúa; mô hình "Hai lúa một bắp”, trồng cây ăn trái, nuôi bồ câu lai nhốt, nuôi bò sinh sản, nuôi heo địa phương... Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, có chính sách hỗ trợ nông dân kịp thời về vốn vay và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nên đời sống của bà con ngày càng ổn định hơn.
Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc phát triển các loại cây trồng như lúa, bắp, thuốc lá, bông vải, dưa hấu, hàng năm địa phương còn chỉ đạo các xã, thị trấn vận động bà con tập trung phát triển mạnh 2 loại trồng phục vụ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến là cây mía và cây mì, với tổng diện tích hàng ngàn ha. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm nay, toàn huyện đã gieo trồng được trên 15.700ha cây trồng các loại, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó 2 loại cây trồng mía, mì chiếm đến 5.300 ha. Đặc biệt, với lợi thế về đồng cỏ tự nhiên, hiện bà con nông dân huyện Ninh Sơn còn tập trung phát triển chăn nuôi gần 50.000 con gia súc theo mô hình trang trại vừa và nhỏ, kết hợp lồng ghép giữa trồng cỏ với chăn nuôi vỗ béo đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Nhờ đó, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt 269 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực đạt trên 48.000 tấn; trong đó, sản lượng thóc 36.508 tấn, đạt 91,2% kế hạch.
Một điểm đáng lưu ý nữa trong phát triển nông nghiệp ở huyện Ninh Sơn hiện nay đó là địa phương đang triển khai Dự án trồng khảo nghiệm 10 giống ớt của Tập đoàn CJ Hàn Quốc tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn với diện tích 6,6ha. Mặc dù dự án mới đi vào hoạt động, nhưng đây cũng là hướng mở để bà con tiếp cận các mô hình kinh tế mới, nhằm tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế của một huyện miền núi.
Dù phải chịu nhiều ảnh hưởng do yếu tố khách quan, nhưng so với cùng kỳ các năm trước, lĩnh vực sản xuất công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ của huyện Ninh Sơn vẫn có sự tăng trưởng khá. Trong 9 tháng qua, ngành khai khoáng của huyện đã sản xuất 96.000m3 đá các loại; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất được trên 34.900 đôi đũa, 47.745 viên gạch, 218 tấn bánh mì, 2.880 sản phẩm bàn ghế... Đặc biệt, tận dụng chính sách ưu đãi mặt bằng, cải cách các thủ tục hành chính của địa phương, nhiều thành phần kinh tế trên địa bàn đã mạnh dạn mở rộng quy mô, đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, một số nhà máy đứng chân trên địa bàn như: Gạch Tuy nen Quảng Thuận, Nhà máy ván ép Triển Lâm, Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú..., đã đi vào hoạt động ổn định, góp phần đưa kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Chính nhờ bước tiến này đã góp phần đưa tổng giá trị sản ngành công nghiệp – xây dựng của địa phương đạt 164,4 tỷ đồng, tăng 20,6%; thương mại – dịch vụ đạt 250,93 tỷ đồng, tăng 10,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 535 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Riêng lĩnh vực vận tải, doanh thu ước đạt 73,8 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được huyện quan tâm đầu tư đúng mức. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, chăm lo các gia đình chính sách được chú trọng thực hiện.
Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế để hoàn thành kế hoạch năm 2014, huyện Ninh Sơn đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị ngành nông - lâm - nghiệp kết hợp phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ. Để đạt được kế hoạch đề ra, theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện, giải pháp mà địa phương tập trung thực hiện đó là tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, về sản xuất nông nghiệp, ngoài việc tập trung chỉ đạo sản xuất tốt vụ mùa, địa phương còn vận động nông dân phát triển các loại cây ngắn ngày như rau, dưa hấu phục vụ Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 ở các xã Nhơn Sơn, Lương Sơn, Ma Nới, Tân Sơn. Ngoài ra, huyện sẽ đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường bê - tông nội đồng: Từ Suối Le, Lâm Bình đi Lâm Phú (xã Lâm Sơn); đường đến khu sản xuất nguyên liệu mía, mì xã Quảng Sơn; đường nội đồng thôn Lập Lá (xã Lâm Sơn); nâng cấp sửa chữa đường 39 dọc tuyến kênh N3 Tây (xã Lương Sơn); đường nội đồng thôn Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn)..., tạo thuận lợi để xe lớn vào thu mua sản phẩm ngay tại đồng ruộng, giúp bà con nông dân giảm các khoản chi phí vận chuyển mỗi khi vào vụ thu hoạch. Về chăn nuôi, huyện chú trọng và tạo điều kiện để bà con phát triển các hình thức kinh tế trang trại theo hướng chất lượng cao. Đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mai –dịch vụ, huyện tiếp tục phát huy tối đa năng lực sản xuất của các cơ sở chế biến hiện có. Tăng cường kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào cụm Công nghiệp Quảng Sơn và một số ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là tiềm năng và thế mạnh về sản xuất nông – lâm– thủy sản và du lịch.
Tiếp tục có chính sách ưu đãi về mặt bằng sản xuất, cải cách thủ tục hành chính, giúp các hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư phát triển thêm các ngành nghề mới, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời chỉ đạo các địa phương tận dụng lợi thế của tuyến QL27 để quy hoạch không gian hợp lý, nhằm phát huy thế mạnh cả ba lĩnh vực: kinh tế công nghiệp – du lịch – nông nghiệp nông thôn một cách hiệu quả nhất. Phấn đấu đến cuối năm đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt từ 11-12%.
Văn Thanh