CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

Rõ khổ!

(NTO) Làm chỉ dăm ba sào ruộng để gọi là… chủ động gạo ăn hàng tháng, hơn thế nữa là sản xuất theo mô hình “sạch” không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc hãn hữu nếu có thì cũng chỉ sử dụng thuốc trừ sâu từ chế phẩm sinh học để phun nhằm bảo vệ đàn “thiên địch” cho cây lúa. Cho nên lúa của anh bạn tôi làm đúng là sạch và cũng chỉ chia sẻ cho bạn bè thân thích dùng để chí ít cũng bảo vệ phần nào sức khỏe trước “ma trận” lương thực, thực phẩm đầy dẫy hóa chất độc hại- như anh bạn tôi thường nói.

Mấy hôm rày lúa đã đến kỳ thu hoạch nhưng chạy tới chạy lui kêu công gặt không ra. Còn kêu máy gặt đập liên hợp thì… cũng hẹn cả nửa tháng nhưng chẳng thấy tăm hơi ở đâu!. Tìm hỏi thì nhận được câu trả lời là… kẹt ruộng do đã được đặt trước đó cả tháng rồi. Khổ một nổi là do ở cuối đồng nên đồng trên gặt xong thì đồng dưới phải “ăn” nước do các chủ vịt theo nước để vịt ăn đồng, nên nếu không thu hoạch kịp thì sẽ thất thu như chơi. Mà không chỉ riêng mấy sào lúa của ông bạn tôi, ngay nhiều hộ trong xóm cùng cánh đồng cũng tất bật tìm công gặt lúa khi đến vụ. Vì sao vậy?. Hỏi ra mới biết lao động nông nghiệp ở không ít địa phương đã… già hóa và ít người chịu làm. Rảnh thì nhận gia công hạt điều hay tỉa nho, cột cành táo… cũng khỏe hơn là lội ruộng vừa khổ vừa… “hao mòn nhan sắc”. Lại thêm thu nhập không cao hơn là mấy so với làm những việc khác vừa nhẹ nhàng, vừa không phơi nắng, gió. Một số hộ khác thì “cạch” luôn với đồng ruộng để làm công nhân trong tỉnh hay tỉnh ngoài… Vì thế không riêng gì mùa gặt mà những công việc đầu vụ như làm bờ, cuốc góc đến cấy dặm lúa… kiếm cũng không ra người làm. Vài năm gần đây, một số nông hộ đầu tư sắm máy gặt liên hợp nhưng do mùa vụ sản xuất tập trung nên nhận thu hoạch không kịp. Đó là chưa nói đến giá cả. Công gặt máy bình quân chỉ từ 250.000 đến 350.000 đồng/sào tùy theo ruộng trong khi đó thu hoạch thủ công thì tăng giá lên hơn gấp đôi. Đã vậy chủ ruộng còn phải chi linh tinh khác. Ông bạn tôi than trời không thấu: - Sản xuất nông nghiệp mà để mạnh ai nấy làm, làm manh mún một hộ dăm sào, không có tổ chức tập thể thành tổ đội như thời còn HTX thì… không khá nổi!.

Thực tế đã chứng minh rằng sản xuất không có tổ chức thì khó đưa khoa học, kỹ thuật mới vào đồng ruộng để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng. Việc “kẹt” công thu hoạch lúa của những nông hộ như ông bạn tôi cũng là hậu quả của kiểu làm cá thể, tự… bơi. Cho nên, để khai thác đúng mức tiềm năng đất đai, tăng thu nhập cho nông dân không gì khác là cần phải tổ chức lại theo hướng tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thực hiện cánh đồng mẫu lớn như chủ trương chung của tỉnh.