Ông Nguyễn Thanh Liêm, Tổ trưởng TSXRAT chia sẻ: “Khi vào TSXRAT, trước mỗi vụ hội viên trong tổ được định hướng, tìm hiểu rõ nhu cầu của thị trường, đưa các loại cây trồng phù hợp để tập trung sản xuất nên luôn được thị trường chấp nhận và bán được giá. Chính vì vậy, rau, củ quả sản xuất ra đến đâu thì tiêu thụ hết đến đó. Với phương thức luân canh, tăng vụ, các hội viên đã đưa nhiều loại rau, củ quả vào sản xuất như: hành lá, khổ qua, bí xanh, dưa đỏ, cà chua…đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây.
Hội viên tổ sản xuất rau an toàn đang thu hoạch bí đao.
Trong quá trình sản xuất, do phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, hội viên lại chưa quen nên ban đầu khi triển khai mô hình gặp rất nhiều khó khăn. Để hội viên nắm vững kiến thức trồng và chăm sóc rau an toàn, hàng tháng tổ họp định kỳ 1 lần thông tin tình hình sản xuất, giá cả thị trường, tạo điều kiện cho các thành viên trao đổi kinh nghiệm…và dựa vào điều kiện tự nhiên và nhu cầu tiêu thụ của thị trường, chuyển đổi loại cây trồng phù hợp. Hiện nay, đầu ra của sản phẩm rau an toàn của tổ được các thương lái thu mua với giá cao hơn. Bên cạnh đó, trong tổ còn có thành viên đứng ra thu mua để cung cấp cho các đầu mối ở chợ, tránh được tình trạng bị tư thương ép giá, hoặc bị tồn đọng rau, củ, quả vào các mùa vụ chính.
Thực tế cho thấy, qua gần 2 năm thực hiện mô hình, TSXRAT đã giúp hội viên thay đổi tập quán sản xuất cũ, có cơ hội nắm bắt kỹ thuật mới và kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới, tình hình sâu bệnh, bảo đảm theo tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn, đáp ứng thị trường tiêu thụ. Anh Nguyễn Thanh Dũng, thành viên TSXRAT phấn khởi cho biết: Từ khi vào tổ, được làm quen với kỹ thuật mới, được hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, mà năng suất và chất lượng đạt hơn trước nhiều. Với 2,5 sào đất trồng bí đao, mỗi vụ gia đình tôi thu gần 40 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí, còn lãi được khoảng gần 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm: Thấy được hiệu quả của mô hình này, đầu năm 2014, Hội Nông dân huyện Ninh Hải đã tạo điều kiện cho tổ được vay vốn, có thêm điều kiện mở rộng diện tích canh tác, mở ra hướng đi mới cho các hội viên, tạo tiền đề cho phát triển theo hướng thâm canh. Trong thời gian tới, TSXRAT tiến tới áp dụng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP và từng bước xây dựng thương hiệu cho rau an toàn. Qua đó, giúp bà con yên tâm sản xuất, tạo hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần giúp các hội viên nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Tiến Mạnh