Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) – Phó Ban trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão (BCH PCLB) tỉnh cho biết: Để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời với tình hình trên, ngay từ đầu tháng 8, BCH PCLB tỉnh đã lập phương án phòng, chống lụt, bão, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn một cách rất cụ thể. Ngoài việc kiện toàn lại BCH PCLB các cấp đảm bảo đủ số lượng và có năng lực trong điều hành, phương án chung mà BCH PCLB tỉnh đề ra là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực về người và phương tiện để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Khi có lũ, bão, siêu bão xảy ra, các đơn vị, địa phương phải khẩn trương, tích cực vào cuộc với tinh thần chủ động, ưu tiên cứu người trước, cứu tài sản sau, nhằm hạn chế thấp nhất sự thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bộ đội biên phòng giúp dân neo chằng lồng bè tránh bão năm 2013.Ảnh: NAT
Tỉnh ta có địa hình khá phức tạp, do đó trong phương án phòng, chống lụt, bão, siêu bão năm nay, tỉnh xác định có 6 khu vực, địa bàn trọng điểm cần ưu tiên cứu hộ, cứu nạn và di dời khi có lũ, bão, siêu bão xảy ra, đó là: Các vùng trũng thấp ở hai bên triền sông Cái, cửa biển Đông Hải, đê sông Dinh (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm); khu vực cảng cá Cà Ná (Thuận Nam); khu vực cửa biển Ninh Chử, Vĩnh Hy, Mỹ Tân (Ninh Hải) và một số địa phương thường xuyên bị xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét như: Thôn Ú, Gia Hoa, Tà Nôi của xã Ma Nới; thôn Lâm Bình, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Thôn Suối Lở, xã Phước Thành; thôn Núi Rây, xã Phước Chính; thôn Hành Rạc, xã Phước Bình (Bác Ái). Thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn; thôn Đá Liệt, Cầu Đá xã Phước Kháng (Thuận Bắc)...
Về hệ thống hồ chứa đang vận hành, hiện toàn tỉnh có 20 hồ lớn nhỏ, trong đó có nhiều hồ dung tích chứa lên đến hàng chục triệu m3 như: Tân Giang, Sông Trâu, Sông Sắt... Vì thế, để bảo vệ an toàn hồ đập, ngoài việc giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi chuẩn bị đầy đủ vật tư, các trang thiết bị thiết yếu và có kế hoạch phân công trực để vận hành, đóng mở cống kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình đầu mối, tại mỗi hồ chứa các địa phương còn chuẩn bị 30 lực lượng xung kích, 2 xe tải để sẵn sáng tham gia xử lý, khắc phục sự cố. Đặc biệt, khi có lụt bão xảy ra, BCH PCLB tỉnh sẽ huy động thêm 420 quân và 20 xe tải của các đơn vị lực lượng vũ trang để hỗ trợ khi có nguy cơ vỡ đập.
Đối với tuyến đê Sông Dinh dài 10 km đi qua Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, dù đã được gia cố vững chắc, nhưng để đề phòng khi lũ lớn vượt trên báo động cấp III gây mất an toàn cho đê, ngoài việc huy động 100 người thuộc đội xung kích của Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, BCH PCLB tỉnh sẽ huy động thêm 390 quân của các đơn vị: BCH Quân sự tỉnh, Đặc công 5, Vùng 4 Hải quân và Lữ Hải quân 101 để đảm nhiệm hộ đê đoạn từ phường Mỹ Hương đến phường Đạo Long một cách an toàn nhất. Riêng hồ Núi Một đang thi công, BCH PCLB tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công công trình vượt lũ an toàn; đồng thời phối hợp huyện Thuận Nam, các đơn vị đang thi công hồ chứa chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư và bố trí cán bộ tham gia quản lý, vận hành, phân công trực 24/24 giờ tại công trường để phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố do lũ, bão, siêu bão gây ra. Cùng với các hoạt động trên, hiện BCH PCLB tỉnh còn dự trữ 40 rọ thép, hàng ngàn bao tải và chỉ đạo BCH PCLB các địa phương, các công ty, đơn vị xây dựng chuẩn bị 14 xe tải, 4 máy xúc, 2 máy ủi và 5.000 m3 đá hộc để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra trên các tuyến đê, kè và trên các vị trí xung yếu.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của BCH PCLB tỉnh, hiện các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã lập phương án, chuẩn bị đầy đủ vật chất, phương tiện sẵn sàng đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cùng với các hoạt động trên, BCH PCLB tỉnh cũng đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh nắm bắt kịp thời mọi diễn biến của thời tiết. Khi có thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới, các ban, ngành, địa phương, đơn vị phải kịp thời tuyên truyền tất cả các loại tàu thuyền tìm nơi trú ẩn và neo đậu an toàn tại các khu vực đã được quy định như: Cảng cá Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chử, vịnh Vĩnh Hy... Đặc biệt, tại các vùng thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập úng và có nguy cơ sóng thần BCH PCLB tỉnh cũng đã có phương án sơ tán dân về các vùng cao, tòa nhà cao tầng, trường học. Tại những vùng hạ du hồ chứa, giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi có trách nhiệm phối hợp chính quyền địa phương thông báo đến nhân dân trước 6 tiếng đồng hồ khi xả lũ để các địa phương, đơn vị và nhân dân di dời người, tài sản đến nơi an toàn.
Với tinh thần tập trung chỉ đạo như đã nêu trên, tin rằng công tác phòng, chống lụt, bão, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 trên địa bàn tỉnh sẽ đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Văn Thanh