Với nghề làm ruộng chỉ canh tác ở những cánh đồng mỗi năm một vụ, ai cũng hiểu sâu sắc giá trị của hạt cơm cận mùa giáp hạt. Hạnh phúc thật tràn đầy khi ngoài trời mưa gió, trong nhà cả gia đình quây quần bên mâm cơm mắm rau với nồi cơm xới lên vun đầy. Ăn bữa cơm no, chạnh lòng nghĩ đến người phải ăn cháo loãng đợị mùa lên…
Ảnh minh họa.
Ở đời ai cũng cật lực làm việc mong kiếm được nhiều tiền để làm phương tiện trao đổi thỏa mãn những nhu cầu cho ý nghĩa của cuộc sống được tốt hơn. Nhưng khi bị tách biệt với xã hội vì hoàn cảnh như phải ở trên rừng, ngoài biển thì đồng tiền không quý bằng cơm gạo. Tôi nhớ ngoại kể khi còn chiến tranh, bị địch khủng bố trắng, hai tháng liền không được một hạt cơm vào bụng. Khi được giải vây, về làng một mình ngoại ăn hết một nồi cơm to với muối. Ngoại bảo đó là bữa cơm ngon nhất trong đời ngoại. Ngoại nói “Gạo, muối, nước ngọt là ba thứ cần nhất trên mọi thứ khác của con người”. Lời ngoại ngắn gọn, ý nghĩa đơn giản vậy mà như một chân lý không thể thêm bớt được.
“Có thực mới vực được đạo”. Con người có ăn mới làm việc được. “Cơm tẻ mẹ ruột” là chắc nhất với người lao động nặng nhọc. Khi hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người ta mong ngày đủ ba bữa cơm no. Khi làm ăn phát triển, người ta chọn thứ gạo ngon hơn để nấu cơm. Bữa ăn thường ngày dù sơn hào hải vị hay mắm rau thì cơm vẫn là thực đơn chính.
Còn nhớ một thời chưa xa, ở những khu phố của người lao động và công chức bậc trung, mỗi nhà có một vật dụng để chứa cơm thừa canh cặn, sau đó có người thu gom đem về nuôi heo. Bây giờ, vì vấn đề môi trường, trong khu dân cư không được chăn nuôi, thức ăn thừa đổ vào cống rãnh. Nhìn những hạt cơm lều bều trong dòng nước bẩn bỗng thấy xót lòng…
“Ai ơi bưng bát cơm đầy…”Câu ca nhắn gởi ấm tình chơn chất như bản chất của người làm ra hạt gạo.Dù cuộc sống tương lai có diễn ra như thế nào thì nhà nông vẫn giữ vai trò nuôi sống nhân loại. Bát cơm đầy vẫn luôn đem lại hạnh phúc cho mọi người…Và như ngoại, tôi vẫn luôn lượm từng hạt cơm con cháu làm rơi, dạy chúng rằng “Hạt cơm là hạt ngọc của trời, đừng để rơi vãi giẫm lên mang tội”.
Trần Xuân Thụy