Dạy kỹ năng sống cho con

(NTO) Con thi đậu đại học ở một trường tại TP. Hồ Chí Minh, bạn tôi vui bao nhiêu thì lại lo lắng bấy nhiêu. Sự lo lắng của cha mẹ khi lần đầu tiên con sống xa nhà chẳng tránh khỏi, nhưng với bạn tôi không chỉ vì vậy mà còn nhiều điều khác nữa.

Cháu là con gái út của gia đình nên bạn rất cưng chiều. Việc đi học của con từ học ở trường, đến học thêm đều được vợ chồng bạn thay nhau chở. Những năm học THPT, vợ chồng bạn tất bật với chuyện đưa đón con đi học, có ngày vòng đi, vòng lại ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đến cả chục lần. Bạn bảo bây giờ ra đường xe cộ nhiều, không ít người tham gia giao thông đi rất ẩu sợ lắm nên cứ chở con đi học là chắc ăn nhất.

Cũng xuất phát từ việc yêu thương con quá nên từ nhỏ đến giờ con bạn không biết “động chân, động tay” vào việc gì trong gia đình. Bạn cứ lụi cụi làm hết mọi việc từ quét nhà, lau nhà, rửa chén đến giặt quần áo…Tôi bảo: “Con gái lớn rồi, nói nó làm đỡ một số việc cho bớt đi chứ. Mọi việc cứ ôm vào làm hết như vậy khi nó đi lấy chồng thì bạn cũng đến ở với nó sao?. Bạn bao biện: “Bữa nay, mấy đứa học nhiều lắm hết ở trường, lại đi học thêm còn thời gian đâu mà làm việc nhà. Mình cố gắng thêm một chút nữa có sao đâu!”.

Chính sự “bao bọc” con quá nên khi nhận tin con đậu đại học phải sống xa nhà, bạn tôi mới đứng ngồi không yên. Bạn than thở: Ở nhà ăn cơm nhiều khi còn phải năn nỉ, khi đi học xa nó có tự lo liệu cho bản thân được không. Sống môi trường tập thể “xô bồ” lắm, con lại “khờ khạo” như vậy biết làm sao?. Để giảm bớt sự lo lắng của mình, bạn đã lên “kế hoạch” dạy cấp tốc “nữ công gia chánh” cho con gái với hy vọng con sẽ bớt lo khi đi học.

Yêu thương con chính là dạy dỗ con ý thức tự lập từ nhỏ, đó là kỹ năng sống. Khuyến khích, động viên con cái làm việc nhà từ những việc đơn giản nhất, đôi khi đó còn là niềm vui của con trẻ. Con cái biết quán xuyến công việc trong gia đình, không chỉ thể hiện trách nhiệm của bản thân với gia đình mà khi ra đời sẽ hoạt bát và thành đạt hơn trong cuộc sống. Rèn kỹ năng sống cho học sinh không chỉ trong nhà trường mà cần có sự phối hợp tích cực của gia đình và xã hội. Sự trưởng thành của con cái là niềm hạnh phục của cha mẹ, để đạt được điều đó thì phải “Dạy con từ thủa còn thơ…”