Theo PGS.TS Lã Văn Kính, Giám đốc Viện Khoa học động vật miền Nam (IASVN), ngành chăn nuôi về cơ bản đã chuyển sang sản xuất phương thức trang trại, công nghiệp, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm cũng như đảm bảo yêu cầu về chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Bất cập lớn
Tuy nhiên, một thách thức lớn mà ngành chăn nuôi trong nước đang phải đối mặt là thức ăn chăn nuôi (TACN) nhập khẩu. Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 50% nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là khô đậu tương, ngô, bột cá nguyên liệu làm TACN. Nhu cầu này ngày một tăng và dự kiến trong năm nay, sẽ phải nhập khẩu 4,5 triệu tấn TACN các loại.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là Việt Nam không chủ động được nguồn nguyên liệu chủ chốt có nguồn gốc từ nông nghiệp (như ngô, đậu tương, thức ăn thô xanh). Bên cạnh đó, do trồng trọt chưa cơ giới hóa cao, chưa mở rộng việc áp dụng công nghệ sinh học để trồng loại cây biến đổi gene có năng suất cao nên giá thành TACN tại Việt Nam đang cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10-20%. Điều này cũng làm giảm giá trị chung.
Mặt khác, sản lượng và chất lượng của nguyên liệu trong nước không đồng đều, do giống, quy trình canh tác, chế biến bảo quản không đạt tiêu chuẩn. Với các nhà máy công suất lớn, vấn đề lưu trữ nguồn nguyên vật liệu trong thời gian dài là rất quan trọng. Tuy nhiên, nguyên liệu TACN sản xuất trong nước lại có thời gian bảo quản ngắn. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho những vùng nguyên liệu cũng như áp dụng công nghệ sinh học đối với các loại cây trồng cho thức ăn chăn nuôi chưa được chú trọng.
PGS.TS Lã Văn Kính cho rằng TACN nhập khẩu với tỷ lệ cao không chỉ làm gia tăng chi phí mà còn ảnh hưởng đến tính chủ động của ngành. Việc bỏ trống nội dung sản xuất công nghiệp TACN đang là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn tới giá trị sản xuất, kinh doanh của ngành này chưa cao và là bài toán cần lời giải.
Đầu tư cây trồng biến đổi gene
Thị trường TACN tại Việt Nam phát triển khá nhanh, với mức tăng trưởng từ 10-13%/năm đã đưa Việt Nam thành nước đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 12 thế giới về tiêu thụ TACN công nghiệp.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Để hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài trong ngành chăn nuôi, Bộ NNPTNT đang có những chính sách khuyến khích nông dân, nông trại, doanh nghiệp và nhà đầu tư mở rộng diện tích trồng đậu tương, ngô.
Tại Hội thảo “Hướng phát triển cho tương lai - Vai trò của công nghệ sinh học đối với giảm lượng khí thải, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng thịnh vượng cho nông dân Việt Nam” do Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM mới tổ chức, PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng chủ động nguồn TACN là yếu tố then chốt để ngành chăn nuôi phát triển. Trong đó, giải pháp đưa cây trồng biến đổi gene vào sản xuất và thương mại hóa là giải pháp hữu hiệu mà ngành nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư phát triển.
Ông Phạm Văn Dư cho biết các loại ngô biến đổi gene có năng suất cao hơn từ 20-25% so với ngô truyền thống, cùng với đó là hàm lượng chất dinh dưỡng tăng và giảm bài thải chất có hại từ động vật nuôi.
Cụ thể, loại ngô nhiều dầu, giàu protein thì lượng dầu cao hơn ngô bình thường là 87%, protein cao hơn 3,3%, lysine cao hơn 80% và tryptophan cao hơn 15%. Với loại ngô này, gà nuôi sẽ tăng trưởng tốt và cho sản lượng trứng nhiều hơn từ 20-25%.
Bên cạnh đó, các loại đậu nành chuyển đổi gene cũng tăng nhiều chất dinh dưỡng như acid amin, lysine, acid stearic…, tăng sự ổn định ô xy hóa giúp vật nuôi tăng cân nhanh, chất lượng thịt đảm bảo yêu cầu về VSATTP và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao.
Mới đây, Bộ NNPTNT đã cho phép sử dụng 4 giống ngô biến đổi gene là Bt11, MIR 162, MON 89034 và NK 603 làm thức ăn chăn nuôi. Theo ông Phạm Văn Dư, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để mở rộng vùng nguyên liệu TACN tại các vùng miền trọng điểm như ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nguyên.
Nguồn www.chinhphu.vn