Mở rộng đối tượng cho vay
Sau 3 năm thực hiện Nghị định 41, những hạn chế, bất cập đã lộ dần, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp không chỉ sản xuất đáp ứng tự cung tự cấp mà còn sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Một trong vấn đề nông dân vay vốn quan tâm thời gian qua và mong được điều chỉnh là sự khác nhau giữa Nghị định 41 và Nghị định 61/2010/NĐ-CP (Nghị định 61) quy định khu vực nông thôn. Theo Nghị định 61 quy định vùng nông thôn rộng hơn, chỉ trừ phường thuộc thị xã, thành phố; nhưng theo Nghị định 41 vùng nông thôn chỉ gồm cấp xã, không gồm thị trấn.
“Các đối tượng là các hộ nông dân, chủ trang trại được hưởng chính sách của Nghị định 41 phải cư trú và có cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, có nhiều đơn vị là thị trấn, nhưng về bản chất thì các thị trấn này vẫn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Do vậy, còn có đối tượng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực tam nông chưa được hưởng theo Nghị định 41. Đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét bổ sung cho đối tượng được hưởng chính sách này.” - Nguyễn Thanh Long - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định kiến nghị.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã An Tiến, huyện An Lão được thành phố Hải Phòng đầu tư hỗ trợ 100%
vốn mua giống, 30% vật tư thiết yếu và 50% thuê các dịch vụ khác.Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Nhiều ý kiến đóng góp cho Nghị định 41 sửa đổi cũng đề nghị bổ sung: cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn, thị xã, thị trấn… có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đều được vay vốn để mở rộng đối tượng.
Nới điều kiện cho vay
Một vấn đề khác được đặc biệt quan tâm là cơ chế bảo đảm tiền vay cũng cả ngân hàng và khách hàng.
Theo NHNN thì khả năng dự thảo Nghị định 41 sửa đổi vẫn bảo lưu quy định: khách hàng vay không có tài sản bảo đảm phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được UBND cấp xã xác nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp, trên thực tế gây nhiều khó khăn đối với những cá nhân, hộ gia đình vay nhỏ lẻ để tiêu dùng hay vay để phát triển sản xuất, ngành nghề... Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi, bởi phía người nông dân vay vốn thì cho rằng, ngân hàng giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chẳng khác nào cho vay có tài sản bảo đảm, cho vay thế chấp.
Đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 (Khoản 16 Điều 13) thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, đất ở, tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Mặt khác, theo quy định của Bộ Luật dân sự (Điều 163, Điều 322) thì quyền sử dụng đất được coi là một loại tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Do vậy, việc quy định cho vay không có tài sản bảo đảm nhưng lại yêu cầu phải nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chính là tài sản bảo đảm) là mâu thuẫn và chưa phù hợp.
Tuy nhiên, lập luận từ phía các ngân hàng cho rằng, bao giờ họ cho vay cũng phải cầm đằng chuôi. Nếu ngân hàng không giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất thì sau khi khách hàng vay vốn ở ngân hàng này có thể sử dụng giấy tờ trên để vay vốn ở nơi khác sẽ khó kiểm soát khách hàng. Ngoài ra, còn chưa kể hiện tượng người dân còn cho mượn sổ đỏ đang diễn ra ở nhiều vùng nông thôn hiện nay.
Về mức cho vay, nếu như Nghị định 41 hiện hành quy định 3 mức vay 50 triệu đồng, 300 triệu đồng và 500 triệu đồng thì dự thảo mới giữ nguyên mức 50 triệu đồng để đáp ứng nhiều đối tượng vay. Tuy nhiên, dựa thảo Nghị định 41 sửa đổi có đưa ra một số những mức cho vay tới 1 tỷ đồng và 2 tỷ đồng cho đối tượng là chủ trang trại, Hợp tác xã và Liên hiệp Hợp tác xã.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN