Vụ mía 2013-2014, đơn vị đầu tư gần 45,2 tỷ đồng hợp đồng với 939 nông hộ trồng hơn 3.000 ha mía. Do thời tiết nắng nóng làm năng suất mía giảm, trong khi đó chi phí thu hoạch, vận chuyển tăng cao nên hộ trồng mía chịu nhiều thiệt thòi. Để bảo đảm cho nông dân trồng mía tăng thu nhập, Công ty đã bổ sung chính sách hỗ trợ chữ đường, chi phí trung chuyển và công thu hoạch. Theo đó, tổng sản lượng mía được hỗ trợ chữ đường gần 500 tấn, tương đương số tiền 97,4 triệu đồng, hỗ trợ công thu hoạch từ 20 đến 50 đồng/kg với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; đồng thời, chịu toàn bộ chi phí bốc xếp lên xe và vận chuyển mía từ ruộng về nhà máy. Ông Trần Thành Sơn, một hộ trồng mía ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), cho biết: Việc làm trên góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, tạo được niềm tin và sự gắn bó của nông dân mía với Công ty.
Nông dân xã Phước Thành (Bác Ái) thu hoạch mía. Ảnh: N.A.T
Không dừng lại đó, để phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, Công ty rất quan tâm đền công tác khuyến nông. Cụ thể, đã chi 2,1 tỷ đồng hỗ trợ xử lý bệnh trắng lá mía, mua giống, cải tạo đất, đào ao tích nước tưới…Các hoạt động đã làm thay đổi cơ cấu giống chuyển dịch theo hướng giảm giống cũ từ 60% xuống còn 40%, tăng diện tích mía có nước tưới từ 1.500 ha lên 1.790 ha. Ông Nguyễn Đức Thoại, hộ trồng mía tiêu biểu ở xã Quảng Sơn, cho biết: Tôi có thâm niên trồng mía trên 10 năm, trước đây sản xuất phụ thuộc vào nước trời nên năng suất bấp bênh. Niên vụ 2013-2014 Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang hỗ trợ 5 triệu đồng, tôi có thêm điều kiện đào ao tích nước phục vụ sản xuất 2 ha mía. Nhờ chủ động nước tưới nên năng suất mía lên đến 80 tấn/ha, gần gấp đôi so với sản xuất dựa vào nước trời.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, cho biết: Trong tiến trình hội nhập AFTA, các rào cản thương mại sẽ được dỡ bỏ vào năm 2015 do đó áp lực cạnh tranh với các công ty đường trong khu vực sẽ rất lớn. Đối diện những thách thức trên, ngay từ bây giờ Công ty đã có những động thái chủ động đối phó. Trong niên vụ mía 2014-2015, Công ty tập trung đẩy mạnh công tác khuyến nông, hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất mía nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất. Hiện tại, Công ty đang triển khai mô hình thử nghiệm 10 loại giống mới, với diện tích 0,5 ha tại hộ ông Phan Mỹ ở xã Quảng Sơn. Đầu tư trồng 100 ha mía giống để cung ứng giống cho niên vụ 2015-2016. Một số diện tích tại khu vực trồng mía ở xã Phước Tiến (Bác Ái), Mỹ Sơn, Quảng Sơn (Ninh Sơn) các khâu làm đất, rạch hàng xuống giống, bón phân, phun thuốc trừ sâu… đều được làm bằng máy. Anh Cao Văn Minh, ở Mỹ Sơn, cho biết: Trước đây tôi làm 1 ha mía thuê cày đất, rạch hàng, xuống giống hết 5 triệu đồng, nhưng làm bằng máy chỉ hết hơn 2 triệu đồng.
Trong niên vụ 2014-2015, Công ty có kế hoạch đầu tư sẽ 55,1 tỷ đồng cho nông dân sản xuất 3.300 ha mía. Bên cạnh mở rộng diện tích, Công ty chú trọng xây dựng vùng chuyên canh, bảo đảm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao, trong đó đáng kể là đưa khoa học-kỹ thuật vào trồng mía. Công ty cũng đã thực hiện mô hình Liên kết sản xuất mía với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bác Ái và đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây mía. Với hình thức này, nhiều diện tích đất bạc màu trước đây đã được đưa vào sản xuất, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con, góp phần giảm tỷ lệ giảm nghèo ở địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Việt, cho biết thêm: Để chuẩn bị cho đợt thu hoạch đạt kết quả cao diện tích mía sớm dự kiến vào tháng 11 tới, hiện Công ty đang tăng cường công tác chỉ đạo, bám sát địa bàn, kiểm tra, kiểm soát diện tích đầu tư. Xây dựng chính sách giá cả thu mua hợp lý, lịch thu hoạch phù hợp, có cơ chế điều phối thu hoạch, vận chuyển nhanh chóng, thuận tiện cho người bán mía, đảm bảo có lợi cho hộ trồng mía.
Anh Tùng