1. Gia đình ông bà giáo về hưu ở xóm tôi được mọi người tôn vinh là gia đình “văn hiến” bởi ông cụ tổ, ông kỵ, ông cố… đều làm nghề “gõ đầu trẻ”. Họ dạy con cái và hướng nghiệp theo chuẩn mực gia truyền. Cô con gái đầu tốt nghiệp đại học sư phạm với tấm bằng đỏ, hiện là giáo viên trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh. Cô là niềm tự hào của cha mẹ bởi làm rạng danh gia đình nhà giáo. Cậu con trai út mới thi đậu Học viện Hàng không, cô con gái thứ đang học thạc sĩ chuyên ngành Văn hoá Hàn Quốc tại Đại học Seoul. Một gia đình như mơ nhưng họ lại không nghĩ như vậy. Khi gặp người quen, bà con lối xóm, ông bà thường nói về cái vinh hạnh của dòng họ, gia đình mình với niềm tự hào và cả tiếc nuối: Ngày xưa nghèo thật nhưng gia đình có gia phong nền nếp, chúng tôi được mọi người tôn trọng (vì làm nghề dạy học), giờ đây kinh tế thị trường “làm hỏng” bọn trẻ, chúng không nghe cha mẹ mà theo nghiệp chúng thích, may mà vợ chồng còn đứa con gái, không thì “mất gốc”. Họ không ngờ truyền thống gia đình xưa (con cái theo sự sắp đặt của cha mẹ) giờ đây bị phá vỡ nhưng có lẽ đó là sự cấu trúc lại để gia đình phù hợp với xã hội hiện đại, truyền thống tốt đẹp thì vẫn được giữ gìn và phát huy.
2. Có lần, trong lúc “trà dư tửu hậu”, anh bạn cán bộ làm việc ở tỉnh tâm sự: Cái thời chúng tớ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” gian khổ, hy sinh là thế nhưng hào hùng biết bao, mọi người sẵn sàng quên mình vì Tổ quốc gọi, không một sự tính toán nào riêng cả. Cái thời đó giờ đâu mất rồi? Nếu giờ đây toàn dân làm kinh tế như khí thế những năm xưa thì đất nước mình nay thua gì các nước lân cận. Anh nói không sai, nhưng thưa anh thời chiến đối mặt với quân thù có ranh giới rõ ràng, còn nay trong nền kinh tế hội nhập quốc tế chúng ta vừa hợp tác vừa phải đấu tranh rất cần có tư duy, cách làm phù hợp để đất nước tồn tại và phát triển.
3. Trong một lần chúng tôi ghé thăm một cán bộ lão thành cách mạng. Dù đang bệnh khá nặng nhưng nghe hỏi chuyện kháng chiến ngày xưa mắt cụ sáng lên hồ hởi. Ông cho biết việc hình thành các CK (chiến khu) trong kháng chiến ra sao, mục đích để làm gì, việc tại sao tỉnh ta khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám thành công mà không phải hy sinh xương máu, đó là vì chúng ta có lực lượng cốt cán trong binh lính, trong chính quyền địch… đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng bộ Ninh Thuận. Rồi ông dịu giọng: Sẽ đến lúc chú theo BÁC GIÁP, các cháu phải làm sao dựng lại và gìn giữ các khu di tích lịch sử, nhất là các CK ở từng huyện, các căn cứ nơi cơ quan đầu não tỉnh hoạt động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ để sau này con cháu chúng ta lớn lên biết được lịch sử cách mạng quê mình… “Ngày xưa” của những người cán bộ lão thành cách mạng không chỉ tự hào về thời gian khổ, hy sinh anh hùng của mình, của quê hương, đất nước mà còn là sự kế tục phát huy truyền thống cách mạng của lớp trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước mình.
Những ký ức “ngày xưa ơi…” có dịp tái hiện trong mỗi chúng ta, giúp ta nhìn nhận lại chính mình để tìm ra chân lý, cho ta niềm tin và sức mạnh hướng tới tương lai tươi đẹp, hạnh phúc.
Mỹ Hạnh