BAN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Phước Hà: Phát triển Nhóm đồng sở thích nuôi heo đen

(NTO) Phước Hà là xã thuộc vùng Dự án hỗ trợ Tam nông của huyện Thuận Nam. Toàn xã có 620 hộ/3.103 khẩu, sinh sống ở 5 thôn, trong đó, đồng bào Raglai chiếm 94%. Đời sống của bà con phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, lên đến 38%. Xã đang tập trung lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án nhằm đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo, phấn đấu mỗi năm giảm từ 3 đến 5%.

Dựa vào tiềm năng, lợi thế vùng núi, Ban Phát triển xã xác định chỉ có phát triển chăn nuôi mới xóa nghèo bền vững. Tổng đàn gia súc trên toàn xã 2.800 con; trong đó, bò trên 1.000 con, số còn lại là dê, cừu, heo. Chị Trần Nguyễn Thị Thiện, thành viên Ban Phát triển xã, cho biết: Năm 2013, xã đã thành lập 2 nhóm đồng sở thích nuôi bò, mỗi nhóm 30 hộ. Các nhóm đang duy trì hoạt động tốt, nhất là thay phiên nhau cắt cỏ chăm sóc bò giống do Dự án hỗ trợ Tam nông cung cấp. Tiếp tục khai thác các chuỗi giá trị mới, hiện Ban Phát triển xã đang tiến hành khảo sát để sớm thành lập Nhóm đồng sở thích nuôi heo đen .

Nông dân xã Phước Hà nuôi heo đen nâng cao thu nhập gia đình.

Theo anh Ma Năng Dựng, Trưởng Ban Quản lý thôn Tân Hà, heo đen là đối tượng nuôi truyền thống của bà con vùng núi, có giá trị kinh tế cao. So sánh với heo lai, nuôi heo đen chi phí đầu tư mua thức ăn thấp hơn nhiều, trong khi giá bán cao, "đầu ra" ổn định. Hình thức nuôi thả rong, heo tự kiếm thức ăn, mỗi ngày hộ nuôi chỉ cho ăn một lần vào chiều tối. Nhờ ưu điểm của nuôi heo đen là tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, ít bị bệnh dịch, nên tổng đàn tăng nhanh. Theo khảo sát của Ban Phát triển xã, tổng đàn heo ở 5 thôn khoảng 500 con. Chị Trà Vân Thị Thúy, hộ nuôi heo đen nhiều nhất ở thôn Trà Nô, cho biết: Nuôi heo đen phù hợp với trình độ của bà con vùng cao, nhanh cho thu nhập. Nhà tôi có 3 con heo nái bình quân mỗi năm đẻ 40 heo con, bán được 20 triệu đồng.

Chị Trần Nguyễn Thị Thiện, nhìn nhận: Ưu thế vượt trội của nuôi heo đen đã rõ, tuy người nuôi vẫn còn thói quen thả rong, nên gây ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh. Khi thành lập nhóm đồng sở thích sẽ giúp các hộ tiếp cận được kỹ thuật mới. Ban Phát triển xã dự kiến trước mắt chỉ thành lập 1 Nhóm đồng sở thích nuôi heo đen thí điểm ở thôn Trà Nô, sau đó nhân rộng ra 4 thôn còn lại. Khi đi vào hoạt động, các thành viên của nhóm tổ chức khoanh vùng thả heo trong một khu vực nhất định, làm chuồng cho heo trú ẩn, bổ sung thêm thức ăn cho heo. Nếu các hộ áp dụng hình thức nuôi trên, đàn heo sẽ phát triển nhanh cả về chất lượng lẫn số lượng.

Thuận lợi trong chăn nuôi heo đen ở xã Phước Hà là các hộ có vườn, rẫy rộng, nhiều cây cối che mát cho heo. Toàn xã có 1.200 ha đất nông nghiệp thích hợp trồng bắp, đậu, mỳ… cung cấp thức ăn cho heo. Căn cứ vào đặc điểm của địa phương, Ban Phát triển xã xây dựng chuỗi giá trị: bò - dê - cừu - heo đen; trong đó, heo đen có nhiều ưu thế nhờ tận dụng được thức ăn tại chỗ, giá cả ổn định, thị trường tiêu thụ rộng. Hiện nay, các nhà hàng mua heo đen sữa về chế biến thức ăn phục vụ khách du lịch với giá từ 500.000 đến 700.000 đồng/con. Chị Trần Nguyễn Thị Thiện, chia sẻ: Nguyện vọng của các hộ nuôi heo đen là được Dự án hỗ trợ Tam nông cung cấp giống, vật liệu làm chuồng, khoanh vùng nuôi thả. Hy vọng hoạt động hiệu quả của các tổ, nhóm trong thời gian tới sẽ thúc đẩy nghề nuôi heo đen ở xã phát triển, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngày 14-8, Ban Điều phối Dự án Tam nông tỉnh đã có buổi làm việc với UBND huyện Ninh Sơn về kết quả triển khai thực hiện tại địa phương.

Sau khi nghe Ban Hỗ trợ Kinh doanh Nông nghiệp huyện báo cáo kết quả thực hiện từ đầu năm 2014 đến nay, Ban Điều phối Dự án Tam nông tỉnh đề nghị, UBND huyện cần tập trung giải ngân các nguồn vốn đối ứng, vốn IFAD vào cuối năm 2014; đẩy nhanh các dự án gắn việc đầu tư hiệu quả, sát với nhu cầu thực tế địa phương. Chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án trên địa bàn huyện; trong đó, hoạt động nhóm sở thích, hạng mục công trình, các lớp tập huấn, hỗ trợ nhóm sở thích…