Anh Nguyễn Hân, Trưởng ban Quản lý thôn, cho biết: Toàn thôn có diện tích đất nông nghiệp khoảng 60 ha, trong đó đất trồng lúa 39 ha. Điều kiện tự nhiên ở đây tương đối thuận lợi, đất đai thích hợp cho trồng lúa và các loại cây màu. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong sản xuất là thiếu nước nên không mở rộng được diện tích canh tác. Các đồng đất trên địa bàn “ăn” nước hồ Sông Trâu, năm nào mưa nhiều sản xuất 3 vụ, mưa ít sản xuất được 2 vụ. Mặc dù đất đai hạn hẹp, nhưng người dân cần cù lao động, có kinh nghiệm trong thực hiện các mô hình để nâng cao năng suất cây trồng nên đời sống khá ổn định. Toàn thôn có 6/150 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4%.
Nhờ vào nhóm đồng sở thích nuôi bò vỗ béo, anh Nguyễn Thanh Dũng đã thoát nghèo.
Theo anh Nguyễn Hân, kết quả đạt được trong đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo đó là nhờ bà con linh hoạt tổ chức phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là chăn nuôi bò. Tổng đàn bò toàn thôn hơn 300 con, tính bình quân mỗi hộ chỉ có vài ba con. Trong điều kiện thiếu nơi chăn thả, bà con không tăng đàn mà đã tìm được hướng đi đúng đó là nuôi bò vỗ béo. Phong trào nuôi bò vỗ béo ở thôn hình thành cách đây 3 năm, ban đầu vài hộ nuôi, sau đó phát triển dần, đến nay lan rộng đến hầu hết các gia đình.
Chăn nuôi ở thôn Kiền Kiền có tính bền vững cao khi các hộ liên kết lại thành lập tổ, nhóm để trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau. Tháng 9-2013, Dự án Hỗ trợ Tam nông cấp phát 5 con bò sinh sản đã tạo được niềm hứng khởi để các hộ tham gia vào nhóm đồng sở thích nuôi bò vỗ béo, có thêm nguồn thu nhập. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ những người chăn nuôi giỏi như anh Vũ Mạnh Hoàng, Trần Minh Hùng, Nguyễn Hữu Tuấn… các hộ nghèo, cận nghèo đã mạnh dạn vay vốn, trồng cỏ, nuôi bò vỗ béo cho thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu như anh Nguyễn Thanh Dũng, nhờ nuôi bò vỗ béo đã thoát nghèo.
Ngoài nhóm đồng sở thích nuôi bò, ở thôn cũng đã thành lập nhóm đồng sở thích trồng lúa, quy mô gần 3 ha với 20 hộ tham gia. Vào nhóm đồng sở thích, các hộ đồng tâm hợp lực để nâng cao năng suất lúa. Từ kiến thức tiếp thu được qua các lớp tập huấn do Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tổ chức, các thành viên nhóm nắm vững quy trình canh tác lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, chú trọng dùng phân hữu cơ bón cho lúa, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên chất lượng hạt gạo được nâng lên. Cuối năm 2013, Dự án Hỗ trợ Tam nông cũng đã đầu tư làm tuyến đường bê-tông dài 300 mét phục vụ vận chuyển nông sản. “Nguyện vọng của thôn là được Dự án tiếp tục hỗ trợ cải tạo 800 mét kênh mương nội đồng và 800 mét đường bê-tông nội thôn trong năm nay” - anh Nguyễn Hân, nói.
Anh Tùng