TRUYỆN NGẮN:

“Thằng tù”...!

(NTO) 1. Hai chữ “thằng tù” vốn dĩ không phải là cái tên, nhưng mọi người ở vùng quê này đã dùng để chỉ, gọi hay kể với ai đó về Khôn. Lúc đầu là không thích, không vui nhưng dần dần Khôn đã quen, có lúc Khôn quên mất mình tên gì, chỉ nhớ hai chữ...“thằng tù”.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo sau những ngày đầu giải phóng. Thời đó, mọi người phải lo cho có cái ăn, cái mặc qua ngày đã quá vất vả chứ nói gì đến chuyện học hành. Không ngoại lệ, Khôn phải rời ghế nhà trường và bạn bè thân yêu sau khi hoàn thành chương trình tiểu học vì phải ở nhà trông em để Ba, Mẹ đi làm nuôi sống gia đình. Khi các em đã lớn, Khôn đã bắt đầu theo Ba vào rừng chặt cây, đốn củi, hầm than...để gia đình có được bữa ăn qua ngày. Thời gian qua đi Khôn trở thành một người đàn ông chất phác, mộc mạc, thật thà, khỏe mạnh với dáng người cao to, nước da ngâm đen vì rám nắng. Rồi Khôn lấy vợ, những đứa con xinh xắn lần lượt chào đời trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Cuộc đời đối với Khôn như vậy đã quá hạnh phúc và mãn nguyện. Nào ngờ....

Tai nạn giao thông đã lấy đi một phần cuộc sống của Khôn. Sau khi tỉnh lại không biết mình là ai và cũng không thể tự mình đi lại. Gia đình, vợ con đã cố gắng chạy chữa, chăm sóc cho Khôn. Sau hơn hai năm điều trị, những tài sản trong nhà, ruộng vườn đã vì Khôn mà ra đi, vợ Khôn không đủ sức lo cho gia đình những bữa cơm đạm bạc. Như biết được tình cảnh của vợ và con mình đã quá cực nhọc, Khôn dần bình phục, đôi chân anh đã bước được những bước đầu tiên, tinh thần có phần ổn định, Khôn nhận ra những người thân xung quanh mình...

Nhưng... thật trớ trêu, mới những ngày đầu bình phục; như không còn sức chịu được nỗi khổ cực, vất vả vì phải lo cho chồng với các con và cũng dường như không chấp nhận số phận, vợ Khôn đã ra đi cùng những đứa con với hy vọng tìm cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Nỗi đau thể xác lẫn tinh thần với Khôn càng nhiều cay đắng, trái ngang...

2. Không có vợ và con, anh như mất hết ý chí, nghị lực để sống, anh đau khổ và dày vò bản thân. Cuộc sống đối với anh giờ đây vô nghĩa, đắm chìm trong những cơn say. Rượu dần trở thành người bạn thân, phương thuốc giúp anh quên đi nỗi nhớ vợ thương con. Anh không ngờ chính nó đã làm thay đổi cuộc đời anh. Bị bắt vì tội hiếp dâm trẻ em, mức án 7 năm tù để trả giá cho những hành động sai trái, những dục vọng của ma men dẫn lối, đưa đường....

.....

Phạm nhân Khôn -

Tiếng gọi của cán bộ Quản giáo trại đã cắt dứt dòng suy nghĩ của anh.

Dạ. Thưa cán bộ..

Làm gì mà thẫn người ra vậy?

Dạ. Em đang suy nghĩ...

Nghĩ gì?

Dạ. Em đang nghĩ sẽ phải làm gì sau khi ra trại.

- Ừ! Sau khi ra trại hãy tìm cho mình một công việc và làm lại cuộc đời nhé!

Những lời nói của cán bộ quản giáo đã giúp anh như có thêm nghị lực, sức mạnh. Anh tin vào cán bộ, tin rằng mình có thể làm được. Ngày anh trông đợi rồi cũng đến, vì là phạm nhân cải tạo tốt anh được xét giảm án tha tù trước thời hạn. Sau khi chia tay với cán bộ trại và những người bạn tù của mình. Anh bước lên xe trở về với làng quê của mình với mong mỏi gặp lại những người thân và làm lại cuộc đời...

Ai giống như “thằng tù” nó về kìa.

Ừ! Đúng rồi, đúng là “thằng tù” rồi.

- Sao không ở hẳn trong trại cải tạo luôn đi mà về làm gì?

Tiếng nói của những người từng là hàng xóm láng giềng, tuy không trực tiếpvới anh nhưng anh đã nghe hết những lời nói đó. Anh luôn nghĩ rằng với hình phạt mà anh phải gánh chịu, những phấn đấu và nỗ lực của anh có thể nhận được sự tha thứ của mọi người. Nhưng không, sự phân biệt, những ánh mắt thiếu thiện cảm, những lời từ chối nhận được khi anh đi tìm cho mình một công việc có thể nuôi sống bản thân và những điều đó đã làm cho anh nhớ lại những lời dặn dò, động viên của cán bộ quản giáo Trại giam “hết hạn tù là chấp hành xong hình phạt tù, bản án của Tòa án; trở về với gia đình, xã hội cần phải kiên trì, nhẫn nại, tự mình phải vươn lên, vượt lên, xóa tự ti, quên mặc cảm để hòa nhập, hoàn lương”... Từ đó anh đã quyết chí hành động xứng đáng với cái tên “Khôn” mà Ba, Mẹ đã đặt cho anh; xóa đi những lời đàm tiếu “nó là thằng dại chứ có khôn gì đâu”...

3. Cầm tờ giấy mời anh từ bác quản lý thôn anh lẩm nhẩm “kính mời ông Nguyễn Văn Khôn, đúng vào lúc 08 giờ ngày... tháng... năm 2014, đến tại Trụ sở UBND xã X để tham dự buổi tiếp nhận người tái hòa nhập cộng đồng”. Anh thẫn người và suy nghĩ, không biết có nên đi hay không? đi để làm gì khi phải đối mặt với mọi người mà họ thiếu thiện cảm và mình thiếu tự tin. Những ý nghĩ đó cứ quẩn quanh trong đầu anh.

Loay hoay mãi rồi anh cũng chọn cho mình bộ đồ có thể gọi là tươm tất, từ lâu lắm rồi anh không mặc nó. Anh quyết định đi dự buổi họp mặt giao lưu gì gì đó mà anh cũng chưa rõ là gì nữa, chỉ biết là đi để chấp hành mệnh lệnh. Vừa tới cổng ủy ban xã anh đã nghe những tiếng nói cười rộn rã của mọi người. Không khí vui nhộn, anh ngần ngại không dám bước vào. Bỗng dưng có tiếng gọi của Chủ tịch ủy ban xã

Khôn vào đây!

Dạ.

Khôn theo bác Chủ tịch bước vào bên trong hội trường nhìn thấy mọi người đông vui và có cả mấy người bạn cùng ở trong Trại với anh.

Anh Công an xã vỗ vai và hỏi: “Sao, có khỏe không? Từ ngày trở về địa phương tới giờ có gì khó khăn không?”

Dạ...Dạ thưa cán bộ...

- Ấy, sao lại gọi là cán bộ, gọi là anh Năm cho thân mật. Từ “cán bộ” chỉ dùng trong Trại thôi, từ nay chú phải quên cách xưng hô đó đi, nghe chưa...

Dạ.

Tiếng chuông rung lên báo hiệu giờ làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, đại diện các đoàn thể, tổ dân phố đã báo cáo, gợi mở những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về điều kiện kinh tế, xã hội, những hành vi ứng xử văn hóa tế nhị muôn màu đối với đối với người tái hòa nhập cộng đồng – Tên gọi “thằng tù” đâu đó vẫn còn nhưng đã mang sắc màu tươi mới, thân thiện hơn. Càng vui hơn khi Khôn được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bảo lãnh và Ban quản lý rừng phòng hộ Y nhận anh vào làm nhân viên hợp đồng chăm sóc, bảo vệ rừng. Khôn cảm thấy tự tin hơn khi Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Y nói nhỏ với anh “ ngày xưa anh lên rừng chặt cây, hầm than, đốn củi; ngày nay anh về với chúng tôi để chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng”. Bầu trời như xanh trong hơn, cây rừng cũng xanh hơn màu lá và cuộc đời của Khôn, “thằng tù” cũng khác hơn, mầm xanh hy vọng đã đâm chồi...