Má tôi còn trẻ và khỏe hơn một chút thôi, nhưng Mẹ đã bước sang bên kia con dốc của đời người... Tuy tính cách khác nhau như vậy, nhưng cả hai cùng có một điểm chung tuyệt vời là rất thương yêu con, cháu và hay giúp đỡ người cơ nhỡ, nghèo khổ.
Nói một cách thật lòng là tôi thương Má nhiều hơn nhưng cũng rất quý Mẹ. Bỗng nhiên hôm nay tôi nhận ra chiếc lá đã úa vàng, khi chân Má tôi trở đau, hàng đêm phải xoa dầu cho đỡ nhức; mỗi sáng, trưa, chiều phải uống thuốc đều đặn, sợ huyết áp tăng giảm bất thường; khi gọi điện về nhà, nhờ tìm số điện thoại của người quen thì phải hơn 2 tiếng đồng hồ sau Má mới đọc đúng số cho tôi; mỗi lần có việc cần, phải nói thật lớn mới nghe rõ. Gánh nặng tuổi tác khiến Má chậm chạp hẳn đi, còn ưa dỗi hờn nữa, đụng một tý là rơm rớm nước mắt, phải dỗ dành thật lâu mới chịu nguôi ngoai…
Ảnh minh họa.
Còn Mẹ thì lẩn thẩn thật rồi, mới vừa ăn sáng xong lại nói chưa có đứa nào cho Mẹ ăn cả, không có đứa nào chịu đến thăm; có một chuyện mà kể đi, kể lại hàng mấy chục lần; mới vừa hỏi xong câu đó, lại hỏi thêm lần nữa; khi thì đòi ăn cơm, lúc lại chê cơm cứng; rất sợ nằm một mình, không có người bên cạnh… Thời gian đi qua, người già bỗng trở thành trẻ em, khi vệ sinh cá nhân không còn chủ động được. Mỗi khi bệnh nặng, rất nhiều lần Mẹ tiểu tiện ra quần nên chúng tôi phải mặc bỉm cho tiện. Có lần tôi nói vui trong lúc thay đồ: “Mẹ hư quá nhé, cứ tè trong quần hoài, như em bé vậy”. Mẹ chỉ cười, nhe hàm răng chẳng còn cái nào, một nụ cười quá đỗi ngây thơ, có phần e lệ một chút.
Cảm giác lẻ loi và nỗi cô đơn dễ làm người già tổn thương về mặt tinh thần. Họ khao khát hơn bao giờ hết chính là sự gần gũi, quây quần của con, cháu luôn ở bên. Tôi nghĩ rằng, hiếu thảo với đấng sinh thành xuất phát từ tấm lòng của mình, nó được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Có người con lâu thật lâu, đem nhiều quà bánh tới thăm là nói thương, quan tâm tới Cha Mẹ nhưng nào biết tâm tư của người già đang nghĩ gì? Lại có người thường xuyên đến thăm, chỉ mang theo một món ăn giản đơn mà Mẹ thích, một cái nắn vai cho Mẹ khi trở trời; một cái nắm tay thật chặt giữa lúc Cha cô đơn, nằm một mình không có ai bên cạnh để mà chuyện trò… đó mới chính là điều cần thiết nhất. Hiếu thảo với Cha Mẹ không phải là phân chia ngày tháng nuôi nấng, chăm sóc khi về già mà đó là trách nhiệm tự trong tim mỗi người.
Thế gian thường nói: “ Cha Mẹ nuôi con bằng trời, bằng bể. Con nuôi Cha Mẹ tính tháng, kể ngày”. Đừng lấy một lý do bất kỳ nào để thoái thác trách nhiệm hay đùn đẩy nhau. Mình yêu thương Cha Mẹ thì chính con mình sẽ đền đáp lại, có khi còn nhiều hơn thế nữa… Có ai muốn cô đơn một mình lúc về già, không có con cháu gần bên quan tâm không? Chắc chắn là không!
Thời gian! Vốn rất khắc nghiệt với vạn vật và ngay cả con người. Nếu cho tôi một điều ước, thì tôi sẽ muốn thời gian sẽ quay ngược lại với khung trời tuổi thơ; để tôi luôn đắm chìm trong tình yêu thương vô bờ bến của ông bà - cha mẹ; chỉ cho mà không đòi nhận lại bao giờ. Để tôi chưa chạm vào sự tranh giành vị thế, quyền lợi, đặc ân trong chính gia đình và ngoài xã hội; để tôi không làm phép so sánh, thiệt hơn về khúc phân chia tình cảm của con người; để tôi mãi mãi là một trang giấy trắng tinh khôi chưa hề nhuốm bẩn giữa vũ trụ bao la này…
Và tôi còn ước ao một điều nữa là hãy cho tôi một trí óc minh mẫn đến giây phút cuối cuộc đời; cho tôi nhận biết tình yêu thương trìu mến từ trong đáy mắt con, cháu mình trao đến. Chiếc lá úa vàng rồi cũng sẽ lìa cành theo quy luật của tự nhiên, nhưng trước khi rơi xuống, nó cần được nâng niu và quý trọng trong đôi vòng tay ấm áp của người thân.
Lòng Mẹ như bát nước đầy.
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao.
Nhớ ơn chín chữ cù lao.
Ba năm bú mớm biết bao thân tình…
Nếu mình hiếu mới Mẹ Cha.
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì.
Đừng mong con hiếu làm gì, uổng công…
Hy vọng rằng, ai đó khi đọc những dòng c a dao này, hãy biết trân trọng và gìn giữ những gì mình đang có, để ngày sau không cảm thấy ân hận và hối tiếc…
Thùy Trang