… Mẹ ơi, an ủi cha già
Mồ con núi ấp, mây qua bốn mùa
Quanh con biếc tím hoa mua
Nguyên thời trai trẻ vẫn chưa kịp già
Gắng nguôi ngoai, hỡi mẹ cha
Nhớ con, giống lúc vắng nhà vài hôm
Mai ngày… thắp nén nhang thơm
Thay con… là cả xóm thôn, bạn bè…
(Tầng sâu gửi mẹ)
Lời của người con là liệt sỹ gửi cho mẹ, mong mẹ an ủi cha, coi như con đi vắng nhà vài hôm; và nhỡ không may, một ngày nào đó cha mẹ có chết con không được thắp nén nhang thì đã có thôn xóm, bạn bè thắp nhang hộ con…
Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Dọn và Anh hùng Lao động Hồ Thị Lượm dâng hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ.
Ảnh: Sơn Ngọc
Ôi! Cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc non sông đã thấm vào máu thịt của dân tộc ta qua nhiều thời đại nên dù kẻ thù có vũ khí hùng mạnh bao nhiêu và lớn lao đến thế nào cũng không thể khuất phục người dân Việt Nam, đó là điều khẳng định.
Khi đọc những vần thơ “Mồ con núi ấp, mây qua bốn mùa/ Quanh con biếc tím hoa mua/ Nguyên thời trai trẻ vẫn chưa kịp già…” tôi cứ lặng người đi và chợt nghĩ… người lính ấy không chết, người lính ấy vẫn trẻ để lại cùng đồng đội ra trận nếu khi đất nước bị xâm lăng.
Tôi nhận được sách biếu của nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên mặc dầu chưa được gặp anh nhưng qua lời kể của nhà văn Bão Vũ biết anh là một bác sỹ lâu năm; nghề y gần với thơ văn vì nó chuyên sâu về con người, phía kia là máu thịt, phía này là tâm hồn, nhờ thế thơ anh không nhợt nhạt mà luôn luôn dằn vặt, trăn trở. Anh viết:
Khan muối đốt củi hóa tro
Tìm mây xẻ đá, ngẩn ngơ cõi người
Chiêm bao sàng cát biển khơi
Đa mang ước trả vàng mười thế gian.
Anh tự xác định mình là người trong cuộc, viết được cái gì về đồng đội tuổi trẻ của mình đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc là phải viết bằng chính máu thịt của mình thì mới xứng đáng với nghĩa tình đồng đội. Anh khóc mỗi khi đi Viếng bạn:
Cách đồng đội ước chừng ba tấc đất
Mà xa xăm thăm thẳm thế độ dài!
Hương khói
Nối đường dây
Vẫn lặng thinh giọng nói?
Mắt ta cay
Ngấn lệ tượng đài…
Tôi càng quý trọng sự day dứt, trăn trở của anh khi cùng đồng đội chiến đấu chứng kiến “Tầng tất đất băm vằm muôn mảnh đạn/ Màu đất nâu trộn đẫm máu đào”; và khi trước “Họng súng giặc thét gào không mặc cả” để bây giờ “Thấm thía bao lần sốt đất nôn nao”.
Có thể nói xuyên suốt trong Nhịp thầm của nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên những dòng thơ viết về đồng đội là nỗi day dứt, trăn trở, hay nói một cách khác là nỗi đau nhưng là cái đẹp về nỗi đau để tăng thêm sức mạnh chiến đấu; cũng vì thế anh có bài thơ Gửi anh trên bản Giốc, những người lính đang bảo vệ biên cương Tổ quốc: “Viền Tổ quốc mình bản Giốc xối chan chan/ Sang sảng dâng tràn/ Giọng nói Lê Thánh Tông/ Một thước núi, một tấc sông/ Không làm mồi cho giặc/ Yên bờ cõi mới vững bền xã tắc”.
Tôi tin rằng, nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên đã nói hộ lòng người dân Việt Nam trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng.
Trần Duy Lý
Hội VHNT Bình Thuận