Ai cũng có một tuổi thơ để mà tiếc nuối, mà vấn vương, chẳng hiểu sao… tôi cứ muốn quay về miền xa lắc…
***
Tôi nhớ như in vào một buổi chiều mưa, trên đường đi học về, cặp thì đội trên đầu hai tay giăng trước mặt và cả bọn cùng đồng thanh hát vang: Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp/ Lấy nếp nấu xôi/ Lấy vôi ăn trầu/ Lấy bậu về ôm/ Lấy nơm đơm cá…
Ảnh minh họa.
Lại quay ngược thời gian, vào những đêm trăng sáng, hai chị em ngồi trước thềm, ngước mắt nhìn trăng rồi thì thầm nói: Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi Cha ời ời/ Cha còn cắt cỏ trên đồi/ Mẹ thì cưỡi ngựa đi mời quan viên… hoặc Bắt thang lên đến cùng mây/ Hỏi sao chú Cuội ấp cây cả đời/ Cuội nghe thấy nói, Cuội cười/ Bởi hay nói dối phải ngồi ấp cây…
Đến tận bây giờ, ký ức về bà ngoại vẫn chưa phai mờ trong tôi với những câu dạy dỗ ngày nhỏ, dễ đi vào hồn người: Ăn một bát cơm/ Nhớ người cày ruộng/ Ăn đĩa rau muống/ Nhớ người đào ao/ Ăn một quả đào/ Nhớ người vun gốc/ Ăn một con ốc/ Nhớ người đi mò/ Sang đò/ Nhớ người chèo chống/ Nằm võng/ Nhớ người mắc dây/ Đứng mát gốc cây/ Nhớ người trồng trọt …
Làm sao quên được, có nhiều hôm lũ trẻ chúng tôi cũng chân đất lấm lem, bày ra những trò đồng dao truyền thống như chia phe chơi trò rồng rắn lên mây, hay thay nhau đọc từng câu đồng dao nghe rất vui tai rồi cả bọn cùng cười nắc nẻ: “Cù cưa cút kít/ Con nít rúc ra/ Ông già rúc vô/ Cù cưa cút kít/ Con nít may ra/ Bà già may vô/ Cù cưa cút kít/ Ăn ít no lâu/ Ăn nhiều tức bụng/ Cù cưa cút kít/ Con nít nhà ai/ Thì về nhà nấy”…
Vào dịp Tết Trung thu, trẻ con chúng tôi đi rước đèn xong rồi xếp thành vòng tròn chơi trò Bịt mắt bắt Dê hay Mèo đuổi Chuột, tất cả cùng nhau hát lớn: Mời bạn lại đây/ Tay nắm chặt tay/ Đứng thành vòng rộng/ Chuột luồn lỗ nhỏ/ Chạy thẳng chạy mau/ Mèo đuổi theo sau/ Chuột cố chạy mau/ Trốn đâu cho thoát/ Thế rồi chú chuột/ Lại sắm vai mèo/ Co cẳng chạy theo/ Chú mèo hóa chuột …
Đồng dao - mãi mãi trong tôi không chỉ là những trò chơi con trẻ, mà còn là ký ức không thể phai nhòa; là vùng trời phủ đầy kỷ niệm thương yêu; là thời gian ở cùng Má trên rẫy Ngoại vào những buổi chiều bẻ bắp, hái đu đủ; là những khi cơn mưa giông ập đến, mấy chị em vội vàng vác cần đi câu cá ở bờ sông…
Lúa ngô là cô đậu nành/ Đậu nành là anh dưa chuột/ Dưa chuột là ruột dưa gang/ Dưa gang là nàng dưa hấu/ Dưa hấu là cậu lúa ngô/ Lúa ngô là cô đậu nành…
Trời mưa trời gió/ Mang vó ra ao/ Được con cá nào/ Về xào con nấy/ Được con cá này/ Thì để phần Cha/ Được con rô bé/ Thì để phần Mẹ/ Được con cá bè/ Thì để phần em/ Trời mưa trời gió/ Mang vó ra ao …
Nhớ mãi không quên hình ảnh bà Nội nằm đong đưa trên võng, miệng bỏm bẻm nhai trầu rồi ngân nga: Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng, khóc ngồi/ Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng/. Con mèo trèo lên cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo. Ru em buồn ngủ, buồn nghê/ Con tằm chín đỏ con dê chín mùi/ Con tằm chín đỏ thì nuôi/ Con dê chín mùi làm thịt mà ăn...
Riêng bài “Hạt mưa” là tôi thích nhất trong tất cả các bài, có lẽ từ nhỏ tôi đã thích mưa rồi. Mưa khiến người ta buồn, nhưng cũng làm ta phấn chấn và hy vọng trở lại. Ông Cha ta từng nói “Qua cơn mưa trời lại sáng” mà! Hồi nhỏ, tôi cứ ước mình sẽ là những hạt mưa, được bay đi khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc.
Tôi ở trên trời/ Tôi rơi xuống đất/ Tưởng rằng tôi mất/ Chẳng hóa tôi không/ Tôi chảy ra sông/ Nuôi loài tôm cá/ Qua các làng xã/ Theo máng theo mương/ Cho người trồng trọt/ Thóc vàng chật cót/ Cơm trắng đầy nồi/ Vậy chớ khinh tôi/ Hạt mưa hạt móc…
***
Thời gian cứ dần trôi, giờ đây bà nội, bà ngoại đã đi xa thật xa, những khúc hát đồng dao ngọt ngào như vẫn còn thắm đượm trong lòng. Những khi mệt mỏi giữa đời thường, tôi lại nghĩ về bao kỷ niệm dấu yêu của một thời thơ dại, đến với những ca từ chân chất hồn quê mà bà hay đọc cho tôi nghe hồi nhỏ, muốn được trở về trong vòng tay, hơi ấm ngày nào.
Mãi mãi trong tôi, những bài đồng dao ấy luôn chứa đựng sự trong trẻo và hồn nhiên đến lạ kỳ. Nó không phải là những câu hát đơn thuần mà còn ẩn chứa trong đó giá trị của nền giáo dục sâu sắc. Nếu như ca dao là nguồn sống, tâm tư tình cảm của người lớn, thì đồng dao là những bài ca của nhi đồng hay những lời ca dân gian truyền miệng của trẻ em. Nó chính là chất liệu ban đầu gieo hạt giống về lòng nhân ái, đạo lý làm người, tình yêu quê hương, là suối nguồn để nuôi dưỡng nhân cách...
Những khúc ru à ơi của Mẹ là chất men lắng đọng vào tâm tư con trẻ từ thuở còn nằm nôi. Trẻ con hầu như đứa nào cũng yêu đồng dao như yêu ánh trăng vàng sóng sánh trong từng câu chuyện cổ tích bà kể, như yêu giọt nắng ban mai tinh khôi trên mọi nẻo đường làng. Tôi cứ sợ rằng trong tương lai, những bài đồng dao sẽ không còn được cất lên nữa. Những trò chơi dân gian nhường bước cho những trò chơi điện tử của nền công nghệ mới, hiện đại hơn, thu hút hơn nhưng cũng đầy vô cảm hơn. Nó khiến con người ngày càng xa cách với nhau, tuổi hồn nhiên dần biến mất, thay vào đó là sự ích kỷ và cô độc trong trái tim và trong cả tâm hồn.
Thùy Trang