Chính thức hoạt động từ năm 2002, THT Đầm Chông thành lập trên tinh thần tự nguyện tham gia của 34 tổ viên, trong đó ban điều hành của THT có 5 thành viên gồm: Tổ trưởng, Tổ phó kiêm kỹ thuật viên đánh bắt, Kỹ thuật viên phụ, Kế toán và Thủ quỹ. Với phương thức tổ chức quản lý gọn nhẹ, mô hình THT trong khai thác thuỷ sản lưới đăng được vận hành linh hoạt, luôn duy trì phát triển và làm ăn có lãi. Loại hình đánh bắt lưới đăng đòi hỏi sự tham gia, phối hợp nhịp nhàng của nhiều lao động, được phân công đảm nhận các vị trí, công việc cụ thể. Ông Lê Văn Dóc, Trưởng thôn Mỹ Tân 1, kiêm Tổ trưởng THT Đầm Chông cho biết: Đến nay, THT đã trang bị đầy đủ các ngư lưới cụ cần thiết phục vụ nhu cầu khai thác, đánh bắt hải sản gần bờ như thuyền neo, thuyền lưới, ghe máy cùng với hệ thống giàn đăng lưới ni lông, ống phao, neo sắt… Theo kinh nghiệm của những ngư dân làng biển Mỹ Tân, khu vực đầm Chông sâu chừng 11 sải tay, là nơi vũng sâu có nước triều chảy mạnh. Hàng năm, từ cuối tháng chạp đến hết tháng 8 âm lịch, vùng biển này xuất hiện các đàn cá, khi di chuyển đến hòn Chông gặp phải “chướng ngại vật”, chúng thường men dọc theo “gành”. Vì thế, lưới đăng được ngư dân lắp đặt cố định từ “gành” hòn Chông hướng ra phía biển có chiều dài 350m, chặn ngang đường di chuyển của cá. Cá trên đường đi không thể vượt qua đăng lưới, phải men theo tường lưới bị “lừa” dần vào rọ, khó mà thoát ra.
Nuôi trồng thủy sản khu vực đầm Chông thuộc thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải. Ảnh: Sơn Ngọc
So với loại hình khác, đánh bắt thuỷ sản bằng lưới đăng có vẻ nhàn nhã hơn, thay vì thả lưới đi tìm cá, ngư dân chỉ cần bày sẵn “thế trận” lưới đăng ngồi chờ cá đến. Thông thường, THT sẽ cử 2 tổ viên túc trực ngày đêm ở đầm đăng, giữ nhiệm vụ nằm thuyền coi cá. Khi phát hiện cá lọt vào rọ, họ cắm cờ lên làm tín hiệu gọi “bạn” trên bờ và điện thoại liên lạc cho các thành viên trong tổ để kịp thời có mặt bủa lưới, vây bắt cá. Trong năm 2013, sản lượng khai thác hải sản của THT Đầm Chông đạt trên 50 tấn, chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá ngân. Các loại cá này trên thị trường tương đối “được” giá và ổn định như cá thu từ 110 – 120 ngàn đồng/ kg, cá ngừ 60 – 70 ngàn đồng/ kg, cá ngân 30 – 40 ngàn đồng/ kg. Đạt doanh thu 1,3 tỷ đồng, lợi tức của THT đã mang lại thu nhập cho mỗi xã viên gần 4 triệu đồng/ tháng. Không chỉ hành nghề đánh bắt thuỷ sản lưới đăng trong THT, các tổ viên còn tranh thủ làm thêm ngành nghề khác như làm rẫy, đi soi, đi biển lưới chì. Điều đáng quý, các ngư dân luôn phát huy tinh thần đoàn kết cùng nhau bám biển mưu sinh, nêu cao ý thức trách nhiệm trong hoạt động kinh tế tập thể giúp THT duy trì và phát triển trong nhiều năm. Riêng trường hợp lao động không may gặp tai nạn rủi ro trên biển, THT hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ thành viên của mình, động viên anh em vươn lên trong cuộc sống.
Thời gian tới, cùng với việc đầu tư tu sửa tàu thuyền, củng cố lại đăng lưới, THT Đầm Chông sẽ tiếp tục nối dài thêm hệ thống lưới đăng nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt thuỷ sản ven bờ, góp phần cải thiện đời sống cho bà con ngư dân. THT cũng mong muốn ngành chức năng sớm tạo điều kiện cho đơn vị thuê hoặc được giao mặt nước theo quy định để HTX phát triển theo hướng đi bền vững.
Trang Nhung