Phước Thuận: Bứt phá tìm hướng đi mới cho cây nho

(NTO) Đến xã Phước Thuận (Ninh Phước) vào một ngày cuối tháng 6, chúng tôi háo hức đi dạo trong nhiều vườn nho trồng mới trải dọc theo hữu ngạn sông Dinh. Nhìn các nông dân vẫn chăm chỉ làm việc dưới mưa, có thể cảm nhận họ đang từng bước trở lại với cây nho truyền thống. Thực vậy, theo thông tin chúng tôi nhận được, từ đầu năm đến nay Phước Thuận đã trồng mới 20,5 ha, nâng diện tích nho toàn xã lên gần 150 ha, tăng thêm 40 ha so với thời điểm giữa năm ngoái.

Những con số nói trên được coi như tín hiệu ban đầu dự báo về sự khôi phục diện tích trồng nho ở Phước Thuận. Đã từng nhiều dịp đến vùng đất ven sông Dinh này, chúng tôi vẫn còn nhớ có thời diện tích trồng nho nơi đây lên đến 400-500 ha, ngay vào thời điểm năm 2006 khi cây táo xuất hiện thay thế dần, Phước Thuận vẫn còn diện tích 397 ha nho. Trao đổi với chúng tôi về tình hình chuyển đổi cơ câu cây trồng, anh Bùi Đăng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận phấn khởi nói: “ Bây giờ đã khác, diện tích táo chỉ còn lại khoảng gần 96 ha, nhiều nông dân sau nhiều năm trồng táo đã dần hoàn canh cây nho. Với việc khôi phục dần diện tích nho trồng trong thời gian gần đây, có thể nói Phước Thuận đang đi đúng mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định. Điều đáng nói là qua đó, cho thấy cây nho không chỉ giành lại vị thế vốn có trước kia, mà còn biểu thị sự đổi mới nhận thức của nông dân địa phương.

 
Du khách tham quan vườn nho Phước Thuận.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, về cơ cấu giống, trong tổng diện tích nho trồng của Phước Thuận hiện chiếm tỷ lệ gần 90% là giống nho đỏ (Red cardinal thuần), là giống nho đang có những biểu hiện thoái hoá về năng suất và phẩm chất, giá trị kinh tế thấp, còn giống nho xanh NH-0148 chỉ có 10% và còn lại là một số ít các giống nho Black Queen và các giống khác. Vì vậy, để thực hiện bước đi mới của nho, trước mắt Phước Thuận vận động nông dân chuyển sang trồng giống nho xanh NH-0148 thay thế dần giống nho đỏ Red cardinal. Anh Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “ Nông dân đang chuyển sang trồng thay thế dần giống nho đỏ Red cardinal, trong số diện tích trồng mới vừa qua có 2 ha là giống nho xanh NH-0148”. Nhiều nông dân qua kinh nghiệm canh tác nho khẳng định dù chỉ làm 1 vụ ăn chắc, nho xanh vẫn cho lợi nhuận hơn 2 vụ nho đỏ vì giá bán luôn cao hơn gấp đôi và ổn định. Với diện tích 1 sào nho xanh, sau khi thu hoạch, trừ chi phí xong người trồng lãi bình quân khoảng 50 triệu đồng.

Theo anh Nguyễn Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, từ xu thế phát triển mới của cây nho, bên cạnh thay đổi giống nho mới, Phước Thuận đang có kế hoạch mang tính bứt phá là kết hợp trồng nho sạch với phục vụ du lịch sinh thái. Trong quy hoạch sản xuất, Phước Thuận định hướng xây dựng vùng trồng nho tập trung có diện tích khoảng 80 ha, gần trang trại nho Ba Mọi ở thôn Hiệp Hòa, trong đó bước đầu sẽ có 20-30 ha nho trồng theo mô hình VietGAP. Hiện nay thôn Hiệp Hòa có diện tích hơn 30 ha nho, sở dĩ được Phước Thuận chọn làm điểm quy hoạch vì nho nơi đây có ưu thế là được trồng tập trung lớn nhất xã chứ không phân tán như các thôn khác. Theo nguyên tắc, để trồng theo hướng VietGAP, trong vùng nho không được quá 20% diện tích trồng xen cây tạp khác, điều này Hiệp Hòa đã đáp ứng. Để xây dựng khu du lịch sinh thái nơi đây, Phước Thuận đề xuất tỉnh, huyện đầu tư mở rộng con đường vào vùng trồng nho cạnh trang trại nho Ba Mọi, xây dựng bãi đậu xe đủ rộng đón khách và xây dựng tụ điểm bán, giới thiệu sản phẩm nho. Ngoài ra còn kết hợp hình thành khu ẩm thực đặc sản địa phương (như bánh hỏi, lòng heo) trên đê kè ven sông Dinh đầy thơ mộng cho du khách có nơi vừa nghỉ chân, vừa thưởng thức món ăn ngon lạ.

Trong thực tế, từ lâu Hiệp Hòa đã được xã chọn làm làng nghề trồng nho, làm rượu vang nho nhằm phát triển theo hướng chuyển từ bán sản phẩm thô sang sản phẩm chế biến. Theo anh Bùi Đăng Dũng, hiện tại đi tiên phong có trang trại nho Ba Mọi, gần đây có thêm một số tư nhân đang dự kiến đầu tư lĩnh vực này. Từ điểm nhấn Hiệp Hòa, để cụ thể hóa kế hoạch trồng nho sạch gắn với phục vụ du lịch sinh thái, Phước Thuận đang đẩy mạnh chuyển đổi trồng các giống nho mới, hình thành tổ sản xuất nho VietGAP (hiện có 40 hộ tham gia) và đang xúc tiến xây dựng trang Web quảng bá nho và sản phẩm từ nho. Những hoạt động mang tính bứt phá này đang mở ra triển vọng mới cho vùng nho Phước Thuận.