1. Thiếu thủ lĩnh: Hồi tháng Ba năm nay, HLV Hàn Quốc, Hong Myung-Bo đã tới Hà Lan để thuyết phục cầu thủ khi đó thi đấu cho PSV quay lại. "Đội ngũ trẻ trung này cần một người dày dạn kinh nghiệm", vị HLV của Hàn Quốc cho biết. Tuyển Nhật Bản cũng thất bại do không có một thủ lĩnh chịu trách nhiệm trên sân và giúp đội bóng vượt qua những thời điểm khó khăn.
2. Lỗi của huấn luyện viên: Alberto Zaccheroni đã chuẩn bị tuyệt vời trong 4 năm nhưng vào giải đấu, vị HLV người Italy lại mắc sai lầm. Nhật Bản đã chơi bị động trước Bờ Biển Ngà và cũng không có bài mới ở trận gặp Hy Lạp. Ông Zaccheroni còn cho lão tướng Yasuhito Endo đá ngay từ đầu trận gặp Bờ Biển Ngà vốn rất mạnh về thể lực hay quyết không thay Yasuyuki Konno dù hậu vệ này liên tục mắc sai lầm.
Ông Hong Muyng-Bo không thể gia cố được hàng thủ lỏng lẻo của Hàn Quốc và cũng quá tin dùng Park Chu-Young dù tiền đạo này thường xuyên tịt ngòi. HLV Carlos Queiroz của Iran không mắc nhiều sai lầm nhưng cũng không quyết liệt chỉ đạo đội nhà tấn công ở trận "chung kết" với Bosnia.
3. Các ngôi sao không tỏa sáng: Keisuke Honda, Shinji Kagawa, Park Chu-young, Shinji Okazaki hay Lee Chung-yong đều là những cầu thủ có tiếng nhưng thực tế, không có nhiều đóng góp cho đội nhà. Một số người cho rằng các vấn đề ở CLB khiến các ngôi sao thất bại nhưng không hoàn toàn như vậy. Honda chí ít có một bàn vào lưới Bờ Biển Ngà còn Kagawa thì không. Nhiều người Hàn Quốc cũng phản đối việc Park được chơi cho ĐTQG khi toàn phải ngồi dự bị tại CLB. Khi ngôi sao không tỏa sáng, đương nhiên đội bóng gặp vấn đề.
4. Thiếu tinh thần thi đấu: Tại sao một quốc gia nhỏ như Uruguay những năm qua chơi khá thành công tại cả Copa America lẫn World Cup? Họ sở hữu các ngôi sao như Luis Suarez, Edison Cavani nhưng đó không phải là tất cả. Tinh thần thi đấu, sẵn sàng làm mọi việc để chiến thắng (hãy hỏi Suarez chuyện này) cũng đóng vai trò quan trọng. Nhật Bản và Hàn Quốc chơi không tồi nhưng họ thiếu một chút khát vọng, một quyết tâm phải giành chiến thắng.
5. Thiếu may mắn: Iran nhẽ ra phải có một quả penalty trong trận gặp Argentina (cuối cùng thua 0-1 bởi bàn thắng ở phút cuối của Lionel Messi). Bàn gỡ hòa của Nga dường như đã rơi vào thế việt vị. Nếu thắng trận đó, cửa đi tiếp của Hàn Quốc đã rộng mở hơn rất nhiều. Chỉ cần có thêm chút may mắn, châu Á đã không thất bại bẽ bàng tại World Cup 2014.
6. Vòng loại châu Á quá yếu: Các đội bóng châu Á đã tiến bộ khá nhanh nhưng vẫn còn kém xa các đội Nam Mỹ hay châu Âu. Thế nên, Hàn Quốc dù thi đấu ở vòng loại khá kém cỏi vẫn giành vé đi tiếp. Chỉ khi nào có nhiều đội tuyển mạnh, vòng loại giàu tính cạnh tranh, các đội châu Á dự World Cup mới thật sự đáng gờm. Còn nếu cứ 4 năm một lần mới được so tài thật sự với các đội ngoài châu lục trong khi quanh năm gặp các đội làng nhàng, rất khó để Hàn Quốc hay Nhật Bản tiến xa.
7. Các thủ môn sa sút: Vài năm qua, châu Á sản sinh được không ít thủ môn tài năng nhưng đáng tiếc, họ lại không thể hiện được các kỹ năng của mình tại Brazil. Chỉ có Alireza Haghighi, vốn là thủ môn thứ 3 của Iran, có thể rời Brazil trong thế ngẩng cao đầu. Còn thủ môn đang lên Mat Ryan của Australia nhẽ ra có thể làm tốt hơn trước Hà Lan. Eiji Kawashima của Nhật không chơi quyết đoán, có lỗi trong bàn thua thứ 2 trước Bờ Biển Ngà. Jung Sung-Ryeong của Hàn Quốc cũng không gây ấn tượng trước Nga và Algeria.
8. Thiếu tiền đạo giỏi: Đây dường như là một căn bệnh nan y của bóng đá châu Á. Vì thiếu tiền đạo nổi giỏi nên các CLB đều phải dùng ngoại binh hay ngược lại, do CLB chuộng ngoại binh nên không còn chỗ cho chân sút nội? Vì lý do gì, các đội bóng châu Á cũng đang chịu thiệt. Không một ai trong số những Yuya Osako, Yoichiro Kakitani, Park Chu-young hay Kim Shin-wook nổ súng tại Brazil. Tim Cahill, cầu thủ đã qua thời đỉnh cao và phần lớn thời gian trong sự nghiệp chơi tiền vệ là chân sút châu Á xuất sắc nhất tại World Cup 2014.
Lão tướng Cahill là cầu thủ châu Á ghi nhiều bàn thắng nhất World Cup 2014
9. Bảng tử thần: Lý do này chủ yếu dành cho Australia. Rơi vào bảng đấu có Tây Ban Nha, Hà Lan và Chile, cơ hội đi tiếp của Australia không nhiều. Tuy đã sa sút nhiều so với thời còn Harry Kewell và Mark Viduka nhưng Australia vẫn đủ sức đi tiếp nếu rơi vào bảng đấu nhẹ cân hơn.
10. Chính trị: Có tài năng và khát vọng, Iran đủ sức để đánh bại Argentina nếu được đầu tư tốt hơn. LĐBĐ nước này đã đầu tư không thỏa đáng và cũng thiếu ổn định. Không dám chắc Iran sẽ thành công nhưng nếu có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, Iran có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Nguồn Thethaovanhoa.vn